NHIỀU HOẠT ĐỘNG CHO VAY CHƯA PHÙ HỢP QUY ĐỊNH VỚI SỐ TIỀN RẤT LỚN

NHIỀU HOẠT ĐỘNG CHO VAY CHƯA PHÙ HỢP QUY ĐỊNH VỚI SỐ TIỀN RẤT LỚN
29/03/2024 08:09 AM 104 Lượt xem

Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua có nhiều hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định. Trong đó, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 1 vay 799,9 tỉ đồng từ năm 2014-2015; Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay 350 tỉ đồng từ năm 2010-2021.

Hàng loạt sai phạm về thoái vốn, cổ phần hóa của các tập đoàn, tổng công ty

Báo cáo hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện nay, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kế hoạch.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Nếu nguồn lực này được phát huy sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, cùng với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước còn nhiều sai sót, như việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu; một số dự án lớn còn vướng mắc, chưa thể "hồi sinh"…, điều này cản trở bước tiến của nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty và công ty cho thấy, một số công trình đã hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán; một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn.

Điểm danh những doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Vicem Tam Điệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,24 lần, Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái 6,22 lần, Công ty cổ phần Lương thực Cao Lạng 5,66 lần, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực - thành phố Hà Nội 3,91 lần.


Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay 350 tỉ đồng từ năm 2010 chưa phù hợp. Ảnh: PPC
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện có hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định với số tiền rất lớn. Trong đó, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 1 vay 799,9 tỉ đồng từ năm 2014-2015; Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay 350 tỉ đồng từ năm 2010, nhưng đến 28.12.2021, EVN đã hoàn thành trả nợ vay.

Ngoài ra, còn những doanh nghiệp chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Nhiều "ông lớn" chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch

Vấn đề nổi cộm hơn cả được chỉ ra qua kết quả kiểm toán là một số tập đoàn, tổng công ty, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt.

Trong đó công ty mẹ - Tổng Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp chưa thoái vốn tại 3/9 công ty; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chưa hoàn thành giảm tỉ lệ vốn nhà nước tại 6 công ty con và chuyển nhượng 100% vốn nhà nước tại 11 công ty con và công ty liên kết; Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam chưa hoàn thành thoái vốn theo tiến độ, phương án được phê duyệt tại 10/13 đơn vị.

Một số doanh nghiệp chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hàng chục người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ theo quy định.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) cho thấy, một số đơn vị trực thuộc thực hiện đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ;

Công ty mẹ chưa xác định khoản tiền phạt chậm nộp liên quan đến tiền thu về cổ phần hóa các đơn vị thành viên 17,75 tỉ đồng; chưa nộp số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại thời điểm 31.12.2017 và xác định lãi chậm nộp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định lãi chậm nộp theo quy định.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nhìn chung, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh, nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân bởi việc sắp xếp cơ sở nhà đất, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ đất đai; các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến các thương vụ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến tình trạng tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn cao.

Một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa quyết liệt; việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt...

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246