KHÔNG AI MUỐN ĐẦU TƯ ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ DƯ THỪA BÁN GIÁ 0 ĐỒNG

KHÔNG AI MUỐN ĐẦU TƯ ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ DƯ THỪA BÁN GIÁ 0 ĐỒNG
22/04/2024 08:07 AM 105 Lượt xem

Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán giá 0 đồng. Điều này được nhận định không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, gây lãng phí nguồn điện.

Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư

Tại dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, Bộ này cho biết, loại hình điện mặt trời mái nhà có thể đấu nối, hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng.

Trao đổi với Lao Động, ông Phan Công Tiến - nhà nghiên cứu thị trường điện và năng lượng tái tạo cho biết, đề xuất trên khiến các cơ quan, doanh nghiệp không ai muốn đầu tư hệ thống, từ đó dẫn đến hạn chế hiệu quả nguồn điện mặt trời, gây lãng phí năng lượng.

Theo ông Phan Công Tiến, cơ chế cho bán sản lượng điện mặt trời mái nhà dư lên lưới, hoặc bán nội bộ trong khu công nghiệp sẽ giúp giá bán lẻ điện của hệ thống cho các nhóm khách hàng sử dụng điện thấp đi, kể cả các nhóm từ sản xuất, sinh hoạt, thương mại, hành chính sự nghiệp.

"Nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ rất có lợi cho nền kinh tế và an sinh xã hội, giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn.

Hầu hết các nước khi chuyển dịch năng lượng xanh, họ đều ưu tiên phát triển nguồn điện mặt trời phân tán trước, sau đó mới đến các nguồn năng lượng tái tạo khác bởi nó có giá thành rẻ và dễ thực hiện.

Đã có rất nhiều nước tích hợp vận hành năng lượng tái tạo lên đến 80% tổng công suất cao điểm trưa, riêng California Mỹ đã đạt 100% năng lượng tái tạo so với tải đỉnh trưa", ông Tiến nói.


Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán giá 0 đồng. Ảnh: Hoàng Minh

Tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái của nước ta còn rất lớn

Ông Phan Công Tiến cho rằng, tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở nước ta rất lớn, hiện nay nhu cầu phụ tải đỉnh vào buổi trưa có thể lên đến 42GW.

Nếu hệ thống điện Việt Nam đủ mạnh như một số nước, hệ thống điện toàn quốc có thể hấp thụ điện lên tới 80% công suất đỉnh trưa, tức là hệ thống có thể hấp thụ thêm gần 20GW điện mặt trời tại các khu công nghiệp. Lợi ích này sẽ góp phần giảm đáng kể tiền điện trong tổng chi phí sản xuất.

Nhưng khi triển khai hệ thống đơn chiếc, không theo quy mô lớn, chi phí đầu tư sẽ cao và không hiệu quả về kinh tế. Do vậy, ông kiến nghị cần có cơ chế "mở" cho việc kinh doanh điện mặt trời mái nhà.

Trước mắt ngoài tự sản tự tiêu, nên cho phép mở kinh doanh điện mặt trời vào các lĩnh vực khách hàng có giá điện thấp hơn chi phí bình quân, ví dụ khu vực khách hàng công nghiệp có giá điện thấp hơn giá điện bình quân.

Về lâu dài, cần sửa đổi phương pháp tính giá điện và phát triển thị trường kinh doanh điện theo cơ chế tự cân bằng. Chẳng hạn mới đây dự thảo Bộ Công Thương đưa ra, cần lấy ý kiến về việc giao cho các địa phương và điện lực địa phương kiểm soát duyệt công suất phát triển điện mặt trời tại địa phương.

"Tôi cho rằng điều này sẽ không khả thi và không thể thực hiện được trong thực tế, bởi lẽ điều này trái với quy luật tự nhiên về việc nhu cầu sử dụng điện", ông nói.

Muốn có cơ chế cân bằng, ông Tiến cho rằng, cần chuyển đổi nhanh qua giá điện 2 thành phần và cho phép mở rộng kinh doanh điện ở khâu dùng điện cuối; khi đó tách rõ giá điện dịch vụ phụ trợ, và giá điện lưới phân phối và bán lẻ.

Như vậy giá điện cuối cùng khách hàng trả sẽ gồm 2 giá, giá cố định và giá biến đổi (trong giá biến đổi có dịch vụ phụ trợ hay còn gọi dịch vụ cân bằng), giá cố định này thường chính là giá truyền tải, giá phân phối và giá điện công suất nguồn của các nhà máy truyền thống nằm chờ không phát.

Trong đó, phần giá biến đổi là giá nhiên liệu phát điện, giá điện năng lượng tái tạo, giá dịch vụ cân bằng. Khách hàng luôn phải trả chi phí cố định cho điện lực để bảo toàn hệ thống hạ tầng và nguồn điện dự phòng khi không có năng lượng tái tạo. Phần còn lại, người sử dụng điện tự do lựa chọn, có thể mua điện hoặc tự phát điện.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246