Ý TƯỞNG TIẾP TỤC TĂNG GIÁ ĐIỆN: LIỆU NGƯỜI DÂN CÓ CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC KHÔNG?

Ý TƯỞNG TIẾP TỤC TĂNG GIÁ ĐIỆN: LIỆU NGƯỜI DÂN CÓ CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC KHÔNG?
04/01/2024 08:29 AM 107 Lượt xem

Câu chuyện nên hay không nên tăng giá điện trong năm 2024 một lần nữa được mang ra bàn luận sau ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng “nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN” tại buổi tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của EVN ngày 2.1.


Ý tưởng đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 để EVN cân bằng tài chính khiến nhiều lo ngại về khả năng chịu đựng chi phí tăng cao của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ảnh: EVN

Đề xuất tăng giá điện mới chỉ là ý tưởng

Trao đổi với Lao Động ngày 3.1, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc EVN cho biết, việc tăng giá điện vào năm 2024 mới chỉ là ý tưởng. Việc tăng giá thế nào, lộ trình ra sao còn dựa trên tính toán của các đơn vị có thẩm quyền - trên cơ sở báo cáo tài chính của EVN.

“Việc tăng giá điện hay không - phải có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan, dựa trên các đánh giá tác động về kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tiến tới thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường”, ông Tuấn nói.

Ông Đào Nhật Đình (Tạp chí Năng lượng Việt Nam) cho biết, phương án tăng giá điện trong năm 2024 giúp EVN cân bằng tài chính là phù hợp. Bởi nếu “sức khoẻ” của EVN yếu sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào ngành điện.

“Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân.

Nếu giá điện không được tăng ở ngưỡng có thể giúp EVN cân bằng tài chính thì sẽ ảnh hưởng đến bảo toàn vốn nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao”, ông Đào Nhật Đình cho hay.


EVN đề xuất tăng giá điện trong năm 2024. Ảnh: EVN

Theo ông Đào Nhật Đình, mức tăng giá điện nên dưới 5%, thuộc thẩm quyền điều chỉnh của EVN. Mức tăng này vừa đủ để EVN giải quyết được tình trạng lỗ lũy kế, vừa tránh ảnh hưởng rộng đến người dân.

Về thời điểm tăng giá điện, ông Đào Nhật Đình cho biết, tuyệt đối không tăng giá điện vào mùa nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) để tránh hoá đơn tiền điện tăng sốc, gây bức xúc cho khách hàng. Ông gợi ý nên tăng giá điện vào tháng 10 năm nay.

Cần rất thận trọng

Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng: “Cần phải xem nền kinh tế và người dân có chịu đựng được việc tăng giá điện lần thứ 3 hay không?”.

Theo ông Ngô Đức Lâm, trước khi nghĩ đến câu chuyện tăng giá điện, cần phải đặt vấn đề quản lý giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện đã phù hợp chưa.

“Trong cơ cấu nguồn điện, nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn, trong khi thời gian qua, giá than liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện. Do vậy, cần xem lại kết cấu các thành phần điện năng”, ông Lâm nói.

Theo ông, trước đây, khi lập Quy hoạch Điện VIII, nguồn điện than chiếm khoảng hơn 30% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, tuy nhiên, sản lượng điện than lên tới hơn 40%. Thời điểm trước và trong thời gian lập quy hoạch, giá than duy trì ở mức thấp khoảng 7 cent (trừ thuỷ điện, giá điện than thấp nhất trong các nguồn điện của toàn hệ thống).

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi, hiện giá than đầu vào tăng vọt, nhất là giá than nhập khẩu với giá cao khiến giá thành sản xuất điện cũng tăng theo. Do vậy, phải tính toán lại cơ cấu đầu vào của từng loại nguồn điện cho phù hợp với thực tế. Bởi kết cấu bây giờ không phù hợp với thời điểm xây dựng Quy hoạch Điện VIII, cần có sự chỉnh lý.

“Điện là cơ sở hạ tầng của đất nước, tác động sâu rộng đến nền kinh tế, khi giá điện tăng cao, giá thành của toàn bộ các mặt hàng cũng tăng theo. Do vậy, Chính phủ cần có sự xem xét kỹ lưỡng có nên tăng giá điện trong năm 2024 không. Muốn đánh giá không chỉ dựa vào đề xuất của EVN hay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà cần có sự tính toán của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Ngô Đức Lâm nói.

Không cân bằng được tài chính, lương của cán bộ EVN rất thấp

Tại hội nghị tổng kết ngày 2.1, Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An cho biết, do không cân bằng được tài chính cho nên thời gian qua, việc làm và đời sống của cán bộ, công nhân viên và người lao động của ngành điện đang suy giảm.

“Tôi và Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc đang rất lo năm 2024, kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Tập đoàn thì đời sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động của EVN sẽ như thế nào. Các ban quản lý dự án, khối trường, khối dịch vụ của các tổng công ty lương rất thấp, nhiều cán bộ cấp thấp của Tập đoàn có mức lương không đủ sống”, Chủ tịch EVN cho hay.

CƯỜNG NGÔ

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246