VIỆT NAM HƯỞNG LỢI THẾ NÀO TỪ VIỆC PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI?

VIỆT NAM HƯỞNG LỢI THẾ NÀO TỪ VIỆC PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI?
21/09/2023 07:58 AM 322 Lượt xem

“Phát triển, xây dựng và vận hành điện gió ngoài khơi không chỉ tạo ra nguồn năng lượng xanh dồi dào, mà còn mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng địa phương cả về các khía cạnh kinh tế và xã hội”, ông Stuart Livesey, đại diện Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)  tại Việt Nam và CEO của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, chia sẻ trong một hội nghị gần đây về triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển.

Điện gió ngoài khơi phát triển mang đến cơ hội nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển. Nguồn: ITN

Mở ra cơ hội việc làm và phát triển chuỗi cung ứng

Các dự án điện gió ngoài khơi hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, mang đến cơ hội chuyển giao công nghệ, kiến ​​thức, cũng như thúc đẩy đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, trên toàn thế giới, tính đến năm 2020, ngành điện gió ngoài khơi đã tạo ra 275.000 việc làm trực tiếp trong lĩnh vực xây dựng và phát triển dự án; 22.000 việc làm trực tiếp trong lĩnh vực vận hành và bảo trì, chưa tính đến lực lượng lao động hỗ trợ gián tiếp cho ngành. Con số trên dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 khi các thị trường trên toàn cầu phát triển thêm và nhiều dự án được triển khai hơn nữa.

Mặc dù điện gió ngoài khơi là một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam, nhiều vị trí công việc trong ngành có thể được đảm nhận bởi nhân sự đang làm việc trong các lĩnh vực khác có điểm chung về kỹ thuật, an toàn và quy trình làm việc như dầu khí hay các dự án điện gió gần bờ. 

Nhiều vị trí công việc đa dạng khác cũng rộng mở trong ngành điện gió ngoài khơi, như kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, chuyên gia môi trường, quản lý dự án …, phần lớn nhân sự trong nước có thể đảm nhận những vị trí này nếu được đào tạo bài bản từ đầu. Khi ngành điện gió ngoài khơi phát triển hơn nữa, nhân sự Việt có thể đảm nhiệm tất cả các vị trí trên. 

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng trong nước cũng sẽ được phát triển thông qua quá trình hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với các doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi ở thị trường quốc tế. 

“Điện gió ngoài khơi đang thúc đẩy việc đầu tư vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu nhờ công nghệ đổi mới và quy mô của các bộ phận cấu thành, tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng tàu dịch vụ, cáp biển, cảng và nhà máy chế tạo. Những kinh nghiệm trong khai thác dầu khí, đóng tàu và xây dựng công nghiệp nặng đều có thể áp dụng trong trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi”, ông Stuart Livesey cho biết.

Cảng biển đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư nhằm phục vụ việc lắp ráp các thiết bị, linh kiện khác nhau của các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, đồng thời là cơ sở cho giai đoạn xây dựng (thường kéo dài 1 - 3 năm), cũng như là nơi vận hành và bảo trì (cần thiết duy trì trong khoảng 25 - 35 năm cho mỗi dự án).

Vì vậy, điện gió ngoài khơi phát triển mang đến cơ hội nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển hiện có tại Việt Nam, không chỉ phục vụ ngành điện gió ngoài khơi mà còn cho các loại hình năng lượng và công nghiệp biển khác. Đồng thời điều này cũng mở ra cơ hội xuất khẩu trang thiết bị phục vụ điện gió ngoài khơi được chế tạo hoặc lắp ráp tại Việt Nam ra các thị trường khác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Một dự án 3,5GW có thể đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế 

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, với bờ biển dài và tiềm năng gió dồi dào, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW. Yếu tố này rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) - một trong những nhà phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực phát triển năng lượng xanh tái tạo lớn nhất trên thế giới - đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2020, cùng với hai văn phòng dự án tại tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời, CIP đang phát triển danh mục các dự án năng lượng gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 14GW, trong đó có trang trại gió La Gàn ngoài khơi bờ biển tỉnh Bình Thuận với công suất dự kiến ​​3,5GW.


Ông Stuart Livesey chia sẻ trong hội thảo về triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển tại Bình Thuận mới đây. 

Tại hội thảo “Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển” diễn ra mới đây, đại diện CIP cho biết, trang trại gió ngoài khơi La Gàn dự kiến ​​cung cấp đủ năng lượng cho khoảng 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm, đồng thời giảm thiểu 130 triệu tấn CO2 so với sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế đến từ BVG Associates (đơn vị tư vấn cho Ngân hàng Thế giới) vào năm 2021 cho thấy, trong suốt vòng đời, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5GW có thể tạo ra 45.880 việc làm tương đương toàn thời gian tại Việt Nam (trong đó 1 việc làm tương đương toàn thời gian được tính là 1 việc làm trong khoảng thời gian 1 năm).

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nội địa hóa với một trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt trên 40%. Theo đó, với ​​chi phí đầu tư dự kiến ​​là 10,5 tỷ USD cho dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, giá trị nội địa hóa của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 4,4 tỷ USD, tập trung vào các mảng phát triển và quản lý dự án, cung cấp phần móng, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, xây dựng cảng, vận hành và dịch vụ bảo trì...

Ông Stuart Livesey, đại diện CIP tại Việt Nam và CEO của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết, “trang trại gió La Gàn sẽ áp dụng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao nhất, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng địa phương".

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi vững chắc và lâu dài, đồng thời tạo điều kiện phát triển chuỗi cung ứng địa phương thông qua chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm. Cơ hội cho nền kinh tế và lực lượng lao động của Việt Nam là rất lớn. Việt Nam cũng có cơ hội trở thành trung tâm hỗ trợ các thị trường lân cận phát triển điện gió ngoài khơi trong khu vực châu Á Thái Bình dương”, ông Stuart Livesey chia sẻ.

Tập đoàn CIP đang quản lý 11 quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo với tổng vốn huy động là 26,8 tỷ USD. CIP đã thiết lập danh mục dự án năng lượng tái tạo dẫn đầu thị trường với tổng công suất khoảng 120GW với đa dạng loại năng lượng tái tạo tại các khu vực khác nhau. Gần một nửa danh mục do CIP phát triển (tương ứng trên 50GW) là điện gió ngoài khơi.

Hà Lan

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246