VIỆT NAM CẦN ƯU TIÊN THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG

VIỆT NAM CẦN ƯU TIÊN THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG
04/12/2023 07:04 AM 174 Lượt xem

Để hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng và đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).


Việt Nam cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng và đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình JETP.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết, Việt Nam đã hoàn thiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), xem xét kỹ lưỡng các chiến lược, chính sách cũng như cập nhật chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng "0", trong đó có Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam (PDP8).

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí methane vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Nhằm tìm cách phát triển ngành Vận tải và thúc đẩy giao thông sạch trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải gồm: Thúc đẩy sử dụng xe điện, hình thành trạm sạc điện cũng như thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng chạy điện.

“UNDP đánh giá cao Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với những cam kết nhằm cụ thể hóa và đề ra lộ trình đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng”, bà Ramla Khalidi nói.

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, với kế hoạch, lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đảm bảo tạo việc làm bền vững và các khía cạnh công bằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" và thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững đất nước.

Đưa ra các biện pháp cụ thể cần triển khai để hiện thực hóa mục tiêu này, Trưởng Đại diện UNDP khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng và đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình JETP.

Cùng với đó, tập trung vào các biện pháp đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi xanh không ảnh hưởng đến những nhóm dân cư và người lao động dễ bị tổn thương đang làm việc trong ngành nhiên liệu hóa thạch.

Đồng thời, thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực tái tạo và cung cấp các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng và áp dụng các biện pháp bảo trợ xã hội.

Việt Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để mang lại lợi ích kép là tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải.

Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, bà Ramla Khalidi cho biết, thời gian qua, UNDP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật NDC và thiết lập Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia. Điều này giúp cải thiện việc kiểm kê khí nhà kính phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Cùng với đó, UNDP đã hỗ trợ việc điều chỉnh và sửa đổi một số chính sách mới phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng "0", tập trung vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050... 

"UNDP sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu", Trưởng Đại diện UNDP Ramla Khalidi cam kết.

Hà Anh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246