VÌ SAO GIÁ LNG GIẢM MẠNH TRONG KHI NHU CẦU VẪN CAO?

VÌ SAO GIÁ LNG GIẢM MẠNH TRONG KHI NHU CẦU VẪN CAO?
06/02/2024 08:04 AM 163 Lượt xem

Mặc dù nhu cầu ở châu Á mạnh và ở châu Âu tương đối vững, giá LNG giao ngay vẫn đang được giữ ở mức thấp. Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào, đặc biệt là từ các nhà xuất khẩu hàng đầu như Mỹ và Australia.

Giá LNG vẫn giảm dù nhu cầu cao 

Theo Reuters, giá giao ngay của khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang tiếp tục dao động ở mức thấp trong bối cảnh nguồn cung dồi dào từ các nhà xuất khẩu  lớn. Đồng thời, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm vào mùa đông đang giảm bớt ở châu Á và châu Âu .

Giá LNG giao ngay tới Bắc Á giao dịch ở mức 9,6 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) trong tuần tính đến ngày 2/2, tăng nhẹ so với mức thấp nhất trong 7 tháng là 9,5 USD vào tuần trước đó.

Giá giao ngay tới châu Á đạt mức thấp nhất năm 2023 vào đầu tháng 6 ở mức 9 USD/mmBtu và chỉ có một đợt phục hồi nhẹ vào mùa đông, đạt đỉnh 17,9 USD vào ngày 20/10. 

Theo dữ liệu do nhà phân tích hàng hóa Kpler tổng hợp, giá giao ngay giảm bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhập khẩu  ở châu Á, với khối lượng đạt mức cao kỷ lục 26,5 triệu tấn trong tháng 12. Con số này vượt mức kỷ lục trước đó là 26,15 triệu tấn thiết lập từ tháng 1/2021.

Nhập khẩu của tháng 12/2023 cao hơn 12,6% so với kỳ của năm trước đó, trong khi tháng 1 cao hơn 11,8% so với cùng kỳ 2023.

Sự gia tăng nhập khẩu LNG trong mùa đông ở châu Á chủ yếu là đến từ Trung Quốc. Nước này nhập khẩu 8,14 triệu tấn trong tháng 12 và gần 7,8 triệu tấn trong tháng 1, tăng lần lượt 12% và 28,2% so với cùng kỳ. 

Ấn Độ, nước nhập khẩu LNG lớn thứ 4 châu Á, cũng chứng kiến mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, với lượng nhập khẩu trong tháng 12 là 1,86 triệu tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022 và 2,26 triệu trong tháng 1/2024, tăng 98% - tháng tăng mạnh nhất kể từ  10/2020.

Sức mạnh nhu cầu LNG của châu Á đủ để bù đắp cho lượng nhập khẩu yếu hơn một chút ở châu Âu.

Nhập khẩu LNG của châu Âu là 11,2 triệu tấn trong tháng 1, giảm 8,2% so với cùng thời điểm của năm 2022. Lượng nhập khẩu vào tháng 12/2023 là 11,75 triệu tấn, giảm khoảng 12% so với cùng tháng năm 2022.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tháng 12/2022 là tháng cao nhất kỷ lục về nhập khẩu LNG của châu Âu, trong khi tháng 1/2023 là tháng cao thứ ba.

Nhập khẩu LNG của Châu Âu thay đổi về cơ cấu sau khi căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra. Điều này dẫn đến nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Nga giảm mạnh. 


Nguồn: Kpler, LSEG, Reuters (H.Mĩ Việt hoá)

Nguồn cung cao kỷ lục

Mặc dù nhu cầu ở châu Á mạnh và ở châu Âu tương đối vững, giá LNG giao ngay vẫn đang được giữ ở mức thấp. Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào, đặc biệt là từ các nhà xuất khẩu hàng đầu như Mỹ và Australia.

Xuất khẩu LNG của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 8,55 triệu tấn trong tháng 12, giúp nước này khẳng định vị trí nhà xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới vào năm 2023.

Xuất khẩu của Mỹ giảm xuống 8,07 triệu tấn trong tháng 1, nhưng đây vẫn là mức cao thứ hai và tăng 19,7% so với cùng tháng năm 2023.

Xuất khẩu của Australia cũng đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12, ở mức 7,22 triệu tấn, vượt qua mức đỉnh trước đó là 7,18 triệu tấn từ tháng 3 năm ngoái, theo số liệu từ Kpler. 

Xuất khẩu trong tháng 1 là 7,08 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn thứ ba thế giới, đã chứng kiến lượng xuất khẩu kỷ lục trong tháng 1 là 7,58 triệu tấn, đánh bại mức cao trước đó là 7,47 triệu tấn từ tháng 1/2018.

Với nhu cầu LNG có thể giảm bớt trong những tháng tới khi mùa đông phía bắc kết thúc, có khả năng giá giao ngay sẽ khó tăng, đặc biệt nếu khối lượng xuất khẩu từ các nhà sản xuất lớn duy trì.

H.Mĩ

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246