VÌ SAO EVN 'THÚC' MUA HÀNG NGHÌN MW ĐIỆN TỪ LÀO?

VÌ SAO EVN 'THÚC' MUA HÀNG NGHÌN MW ĐIỆN TỪ LÀO?
27/09/2023 07:57 AM 308 Lượt xem

Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương nhập khẩu điện từ Lào từ nay đến 2025 và năm 2030.
Đề xuất đẩy nhanh mua điện từ Lào nhằm tránh kịch bản thiếu điện miền Bắc
Bộ Công Thương cho biết, việc nhập khẩu thêm điện từ Lào trong giai đoạn này nhằm tăng nguồn cung cho miền Bắc, giảm nguy cơ thiếu hụt điện cục bộ khi mùa khô ở miền Bắc tình cảnh thiếu điện không tái diễn như năm 2023.

Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến 2025 và khoảng 5.000 MW vào 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép.


EVN đề xuất Bộ Công Thương đẩy nhanh việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập điện từ Lào để bổ sung cho điện trong nước (Ảnh: EVN)

Trước đó, ngày 18/8, tại Hội nghị tiết kiệm điện diễn ra ở Hà Nội, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban kinh doanh EVN thông tin: Năm 2024 - 2025, nhu cầu điện tiếp tục tăng, đặt ra yêu cầu phải bổ sung nguồn điện. Theo tính toán, nguồn điện cần bổ sung là từ 4.000 - 5.000MW. Nhưng, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành lại thấp hơn so với nhu cầu sử dụng điện, với 1.950MW (năm 2024) và 3.770MW (năm 2025), tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Công suất bổ sung thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu điện cục bộ.

Theo đại diện EVN, năm 2024-2025, miền Bắc có thể thiếu tối đa gần 2.000MW công suất điện.

Trong đề xuất gửi Bộ Công Thương, EVN kiến nghị đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ Lào, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy điện gió, thủy điện như Nậm Mô, Houay Koauan với tổng công suất trên 225 MW và phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2.

Với nguy cơ thiếu hụt điện của miền Bắc, EVN cho biết việc nhập khẩu điện từ Lào sẽ bổ sung kịp thời nguồn điện thiếu, trong khi các nguồn điện khác chưa kịp bổ sung. Các dự án điện được đề nghị mua sẽ đấu nối vào các đường dây 220 kV đang vận hành, không phải đầu tư thêm lưới điện phía Việt Nam để tiếp nhận.

Về hiệu quả và rủi ro tài chính, giá, EVN cho biết giá điện mua từ Lào với các nhà máy thủy điện là khoảng 6,95 cent/kWh, cạnh tranh hơn so với một số nguồn điện trong nước: Trong đó, điện mặt trời 7,09-9,35 cent/kWh, điện gió 8,5-9,8 cent/ kWh, điện khí 8,24 cent/kWh và điện than 7,23-8,45 cent/kWh.

Tính đến hết tháng 8/2023, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu khoảng 2.698 MW điện từ Lào, trong đó EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư với tổng công suất 2.240 MW.
6 nhà máy điện được Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, tổng công suất 449 MW, trong số này 4 dự án (với công suất 249 MW) đang được Công ty Mua bán điện của EVN đàm phán PPA với chủ đầu tư. Còn lại chủ đầu tư 2 nhà máy thủy điện 260MW thông báo ngừng bán.

Hiện, ngoài Lào, Việt Nam mua điện từ Trung Quốc. Theo báo cáo của EVN 7 tháng năm 2023, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào về Việt Nam đạt hơn 2,22 tỷ kWh, chiếm 1,4% tổng sản lượng điện của Việt Nam, tương đương con số nhập khẩu mỗi tháng hơn 317 triệu kWh điện.

Điện nhập khẩu chủ yếu phục vụ các tỉnh phía Bắc, và một số ít địa phương miền Trung. Theo EVN, 100% điện nhập khẩu của Việt Nam là thủy điện, điện sạch và được ký hợp đồng dài hạn với đối tác nước bạn. Bộ Công Thương cho biết, một số dự án điện của Việt Nam cũng bán cho phía nước bạn Lào, Campuchia khi dư thừa công suất sản lượng.

An Linh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246