TRIỂN KHAI TUYÊN BỐ JETP VỀ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG

TRIỂN KHAI TUYÊN BỐ JETP VỀ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG
02/09/2023 10:19 AM 259 Lượt xem

Việt Nam đặt mục tiêu triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.


Chính phủ vừa phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).

Đề án được triển khai trên quan điểm huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương; đảm bảo trong khung nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, thúc đẩy thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng công khai, minh bạch và công bằng và có sự đồng thuận rộng rãi giữa các bên có liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Nguồn đầu tư tư nhân là quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng; nguồn lực nhà nước và từ Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) dẫn dắt quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng lượng sạch thay thế. Nguồn lực từ Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các định chế tài chính khác đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp, không thông qua bảo lãnh Chính phủ.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng.

Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.


Đề án triển khai Tuyên bố JETP xác định nguồn đầu tư tư nhân là quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng
Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Đề án đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP và triển khai các dự án thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực với hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi nhiệt điện than và sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch; phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…).

Nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất được các thiết bị phục vụ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến.

Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Phấn đấu đến 2030 hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro để bảo vệ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và các hộ gia đình nghèo, dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng; đào tạo mới, nâng cao năng lực để nắm bắt các cơ hội đầu tư và việc làm từ hệ sinh thái phát triển năng lượng tái tạo.

Tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng để phấn đấu tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% và mức phát thải đỉnh của ngành điện không quá 170 triệu tấn CO2 tương đương, tổng quy mô công suất nhiệt điện than không quá 30.127 MW với sự hỗ trợ đầy đủ và thực chất của quốc tế.


Việt Nam đặt mục tiêu tổng quy mô công suất nhiệt điện than từ nay đến năm 2030 không quá 30.127 MW
Giai đoạn sau năm 2030, Đề án đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách để chuyển đổi năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn dân với sự dẫn dắt của Nhà nước và hỗ trợ của quốc tế. Tiếp tục phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; sản xuất hydro xanh, amoniac xanh...

Không xây mới và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới năm 2050 đạt mức phát thải từ năng lượng không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương, tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt khoảng 80 - 85% tổng năng lượng sơ cấp.

Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, có đội ngũ chuyên gia giỏi về chuyển đổi năng lượng công bằng để chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Đề án nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để triển khai có hiệu quả Tuyên bố JETP, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; Truyền thông, nâng cao nhận thức; Thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Cụ thể, đàm phán việc dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông và thu xếp vốn; đàm phán về đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả.

Xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính các nhà máy nhiệt điện than đồng bộ với lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, kết nối với thị trường các-bon thế giới.

Tiến tới dừng vận hành các nhà máy điện than không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường; xem xét khả năng chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang mục đích sử dụng khác phù hợp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nâng cao hiệu suất các nhà máy điện truyền thống, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Nhiệm vụ trọng tâm khác mà Đề án đưa ra là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

Hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định bắt buộc kèm theo chế tài về các định mức tiêu thụ năng lượng của các phân ngành kinh tế.

Thúc đẩy phát triển và áp dụng mô hình kinh doanh công ty dịch vụ tiết kiệm năng lượng (ESCO).

Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo
Bên cạnh đó, Đề án của Chính phủ nêu nhiệm vụ liên quan đến phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo.

Cụ thể, triển khai thực hiện nội dung phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi...), năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh, sóng biển, địa nhiệt...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.

Nghiên cứu xây dựng 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và xử lý môi trường.

Xây dựng và thực hiện quy định về tỷ lệ năng lượng tái tạo cho các tổ chức phân phối điện, kết hợp với xây dựng thị trường tín chỉ năng lượng tái tạo. Nâng cao khả năng chế tạo, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo trong nước.

Khuyến khích sử dụng điện được sản xuất từ nguồn năng lượng sạch; phát triển không giới hạn điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà công sở và nhà dân theo hướng tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Thy Thảo

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246