TÌNH TRẠNG ĐỘC QUYỀN VÀ THỊ TRƯỜNG ĐIỆN NĂNG

TÌNH TRẠNG ĐỘC QUYỀN VÀ THỊ TRƯỜNG ĐIỆN NĂNG
23/06/2023 08:48 AM 602 Lượt xem

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, EVN độc quyền hệ thống truyền tải điện lấy lý do vì an ninh quốc gia, trong khi một số nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn xây dựng dự án truyền tải điện thì không được thực hiện, gây ra tình trạng nơi thừa công suất, nơi thiếu điện.
Tình trạng cắt điện tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan do thời tiết nắng nóng, mưa ít nên mực nước của hồ chứa nước một số nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình xuống dưới "mực nước chết", một số tổ máy nhiệt điện than phải bảo dưỡng định kỳ, trong khi nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt máy tại công sở, trường học, gia đình tăng nhanh. Người dân và doanh nghiệp thông cảm với khó khăn của EVN, trong khi nhiệt độ 38 - 40oc thì người lao động ngành điện phải chịu nóng để khắc phục các sự cố, nhanh chóng khôi phục mạng lưới điện.

Không chỉ nhận lỗi

Cục trưởng Điều tiết điện lực đã xin lỗi người dân về tình trạng cắt điện và hứa sẽ có giải pháp cho việc cung ứng điện sắp tới.

Ngày 14/6/2023 Tổng giám đốc EVN đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đối với ông Nguyễn Đức Ninh "để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện".

Bộ Công Thương trình Chính phủ hai phương án: A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương; A0 trở thành Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương. Trước mắt thực hiện phương án thứ nhất; khi Luật Giá và Luật Điện lực sửa đổi được ban hành có thể xem xét thêm phương án thứ hai.

Bộ Nội vụ đồng tình với việc tách A0 từ EVN sang Bộ Công Thương, nhưng  hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV để có điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ điều độ hệ thống điện quốc gia phù hợp với cơ chế điều hành giá, phí.

Tình trạng cắt điện trên diện rộng không chỉ thuộc trách nhiệm của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, do đó không nên vội vàng bàn chuyển AO về đâu, mà phải tìm nguyên nhân chủ yếu của sản xuất và cung ứng điện năng của nước ta để có giải pháp khắc phục.

Tại kỳ họp Quốc hội đầu năm nay, vấn đề thiếu điện trở thành điểm nóng tại nghị trường. Đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ, tình trạng cắt điện sinh hoạt của người dân trong thời điểm nắng nóng đang diễn ra thể hiện EVN không hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, cần xem xét trách nhiệm và tiến hành thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thiếu điện; cũng cần kiểm toán đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi.


GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN
Tình trạng độc quyền 

Chống độc quyền, hoàn thiện cơ chế thị trường là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước từ Đại hội Đảng VI (1986). Ngành nào, lĩnh vực nào chuyển sang cơ chế thị trường thì ở đó có cạnh tranh về chi phí, giá cả, chất lượng dịch vụ. Thông tin, viễn thông là điển hình thành công chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Từ một nước có hệ thống thông tin, viễn thông lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước phát triển hệ thống sản xuất và dịch vụ hiện đại, người dân được hưởng lợi từ truyền hình số, máy tính, smarphone với giá khá rẻ.

Cơ chế độc quyền cho EVN bộc lộ trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII, phát triển điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, đàm phán giá mua điện của các doanh nghiệp ngoài EVN, chậm xây dựng giá điện sau khi hết hạn giá FIT làm cho hàng chục dự án điện tái tạo đã hoàn thành xây dựng không được đưa vào vân hành, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực xã hội.

Đặc biệt độc quyền nhà nước trong khi nguồn lực ngân sách có hạn đã hạn chế đáng kể khả năng phát triển về hệ thống truyền tải điện, gây ra các "điểm nghẽn" để giải toả công suất cho các dự án điện, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành, dẫn đến tình trạng nơi thừa công suất, nơi thiếu điện cung ứng cho sản xuất và đời sống.

Nhiều nhà sản xuất thủy điện nhỏ cũng rất khó được các công ty thuộc EVN ký hợp đồng mua điện, nhất là vào giờ cao điểm.

Người dân và doanh nghiệp thông cảm với khó khăn của EVN, trong khi nhiệt độ 38 - 40oc thì người lao động ngành điện phải chịu nóng để khắc phục các sự cố, nhanh chóng khôi phục mạng lưới điện. 

Thị trường điện năng

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, thị trường điện của Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 đến hết năm 2014 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 2015 - 2021 thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 từ 2021 thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Việc hình thành 3 cấp độ của thị trường điện Việt Nam phù hợp với xu thế chung về quản lý điện năng thế giới, nhưng mang đặc trưng của nước ta là triển khai từng bước thận trọng; mỗi cấp độ bao gồm giai đoạn thí điểm và giai đoạn hoàn chỉnh.

Ngày 9/6/2020 Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đến hết năm 2021 là giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn 2 từ 2022 đến 2024 cho phép khách hàng được mua điện trên thị trường điện giao ngay; giai đoạn 3 từ sau năm 2024 cho phép khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Bộ Công Thương cần nghiêm túc chỉ đạo EVN và các đối tác của EVN nghiêm chỉnh thực hiện.

Thị trường điện cạnh tranh là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện Quy hoạch điện VIII, giảm thiểu tình trang cắt điện, nâng cao chất lượng cung ứng điện năng, nhằm:

Khai thác có hiệu quả năng lượng tái tạo

Theo các tư liệu nghiên cứu đã được công bố, tiềm năng phát triển NLTT của nước ta rất lớn, tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió đạt khoảng 377 GW, trong đó điện gió trên bờ 217 GW, điện gió ngoài khơi 160 GW; điện mặt trời khoảng 434 GW, trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 16,6 GW.

Để phát triển nhanh và đạt hiệu quả kinh tế cao NLTT cần coi trọng tích trữ điện năng khi thừa công suất. Công ty GreenYellow (Pháp) mong muốn các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chấp thuận và hổ trợ để tiến hành hai dự án Pin dự trử năng lượng (BESS) bằng vốn đầu tư cỏa họ.

Chính phủ cần khuyến khích nghiên cứu, xây dựng hệ thống tích trữ điện năng (Energy Storage System - ESS), có chính sách ưu đãi cao đối với đầu tư tích trữ năng lượng như trợ giá cho dự án đầu tư ESS, ưu đãi giá mua điện đối với dự án điện mặt trời có kèm lưu trử điện năng. 

Xây dựng hệ thống truyền tài điện

Được biết Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ sửa Luật Điện lực theo hướng cho phép tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện. Các nhà đầu tư mong đợi chủ trương đúng đắn đó sớm được luật hóa thành cơ chế, chính sách nhất quán, minh bạch để thu hút có hiệu quả đầu tư của tư nhân vào hệ thống truyển tải điện mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Một số chuyên gia kinh tế lưu ý các vấn đề liên quan đến cơ chế sử dụng mạng lưới truyền tải điện để giải quyết hài hòa lợi ích của giữa nhà đầu tư tư nhân và của EVN đối với sử dụng lưới điện, đấu nối dự án của các nhà đầu tư tư nhân vào lưới điện đang khai thác nhằm tránh xảy ra xung đột lợi ích, tác động tiêu cực đến quản lý, vận hành hệ thống truyển tải điện.

Hình thành giá mua, giá bán điện

Bộ Tài chính cần xây dựng nguyên tắc và phương pháp hình thành giá mua, giá bán điện làm căn cứ để các bên tham gia thị trường điện thương thảo và ký kết hợp đồng mua, bán điện phù hợp với luật pháp của nước ta và thông lệ quốc tế, được ổn định 5 năm, sau đó được điều chỉnh nếu các điều kiện tác động đến giá điện thay đổi. Giá mua, giá bán điện cần được quy định dựa trên lợi thế của từng vùng để phân bổ đầu tư hợp lý, không gây quá tải cục bộ.

Thu hút vốn đầu tư

Vốn đầu tư là câu chuyện muôn thuở đối với các quốc gia. Vấn đề là cách tiếp cận làm thế nào để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước và vốn nước ngoài khá dồi dào.

Theo WB, khi nhà nước đã có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân thì sẽ gải quyết được bài toán về vốn đầu tư, tuy vậy, vẫn có điểm nghẽn là tín dụng cho các dự án NLTT. Theo đại diện của Ngân hàng quân đội, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi thẩm định dự án do vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, thời gian thu hồi vốn dài làm cho ngân hàng khó cân đối vốn vay vì vốn của ngân hàng phần lớn là tiền gửi, gây rủi ro lớn cho ngân hàng. Do đó, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng thương mại tiến hành các khoản tin dụng dự án NLTT. 

Thị trường điện cạnh tranh đem lại lợi ích cho tất cả các bên, giải quyết được bài toán về giá điện minh bạch, tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả; tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, góp phần giải quyết tình trạng cắt điện.

Theo: Báo Nhà đầu tư

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246