TÌM 135 TỶ USD CHO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII Ở ĐÂU?

TÌM 135 TỶ USD CHO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII Ở ĐÂU?
23/07/2023 09:56 AM 587 Lượt xem

Theo kế hoạch, VN cần khoảng 113 - 135 tỉ USD để thực hiện các mục tiêu tại Quy hoạch điện 8 giai đoạn 2021 - 2030. Nguồn tài chính để đầu tư là thách thức lớn cho ngành điện và cả nền kinh tế.


Từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần 11 tỉ USD

Trong tờ trình gửi Chính phủ mới đây về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8), Bộ Công thương cho biết, tổng nguồn vốn cần để đầu tư xây dựng các dự án điện đến năm 2030 dự kiến khoảng 113 - 135 tỉ USD, trong đó khoảng 88% dành cho nguồn, còn lại là lưới điện. Như vậy, từ nay đến năm 2030, tính trung bình mỗi năm, ngành điện cần khoảng 11 - 13 tỉ USD để làm hạ tầng. Riêng vốn đến năm 2025 là trên 57 tỉ USD, trong đó nguồn chiếm 84%, lưới truyền tải chiếm 16%.

Một trong những dự án truyền tải điện cấp bách nhất trong Quy hoạch điện 8, đang chờ kế hoạch này thông qua, để có cơ sở triển khai là dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài, nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), với tổng chiều dài 514 km, vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD (tương đương 23.000 tỉ đồng).


Từ nay đến năm 2030, trung bình mỗi năm, VN cần hơn 11 tỉ USD đầu tư vào điện (Phạm Hùng)

Cấp bách vì nếu được làm sớm sẽ giúp gỡ phần nào khó khăn thiếu điện khu vực miền Bắc. Dự kiến, dự án này sẽ giúp tăng hơn gấp đôi năng lực truyền tải điện từ Nam ra Bắc (5.000 MW), để tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc các năm tới. Trước đó, đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc gấp rút triển khai đầu tư, vận hành dự án lưới điện này vào tháng 6.2024, rút ngắn khoảng 1 năm so với dự kiến ban đầu của chủ đầu tư.

Trong tờ trình kế hoạch Bộ Công thương đưa ra, tổng vốn đầu tư các dự án nguồn, lưới điện tại Quy hoạch điện 8 sẽ từ nguồn đầu tư công hoặc vốn khác. Tuy vậy, 135 tỉ USD tương đương 33% GDP hiện tại của VN, một con số "khổng lồ" để đáp ứng các mục tiêu phát triển điện từ nay đến năm 2030. Mỗi năm cần khoảng 12 tỉ USD đầu tư cho nguồn điện và khoảng 1,5 tỉ USD đầu tư lưới truyền tải.

Riêng con số 1,5 tỉ USD làm lưới điện cho một năm trong giai đoạn này (2021 - 2023) cũng đã cao gấp đôi, gấp 3 giai đoạn trước. Mức đầu tư lưới điện cao nhất ở giai đoạn 2016 - 2020 chỉ ở ngưỡng 0,8 tỉ USD mỗi năm, rồi giảm xuống còn 0,5 - 0,6 tỉ USD mỗi năm trong mấy năm sau đó (2020 - 2022) do đại dịch Covid-19.

Nguồn tài chính này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và đầu tư gián tiếp qua trái phiếu của doanh nghiệp. Trước mắt, đầu tư lưới điện để giảm áp lực truyền tải, lấy vốn ngân sách hoặc trích từ tích lũy nội bộ ngành, xã hội hóa.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng

Ngoài ra, với 88% vốn từ nay đến 2030 được phân bổ cho các dự án phát điện, trong đó, tập trung vào phát triển nguồn điện gió và khí. Một số chuyên gia năng lượng nhận xét, ưu tiên nguồn vốn vào phát triển nguồn điện và lưới là thực hiện cam kết của VN trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng điện và mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Theo Quy hoạch điện 8, năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ khoảng 31 - 39% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 là 67,5 - 71,5%.

Cần chính sách giá hợp lý để thu hút vốn ngoại
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, cho rằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng là cần thiết và cấp bách. Các số liệu tính toán công bố đều được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, thực tiễn và "đáng tin cậy". Tuy vậy, nếu so với ngân sách thì vốn đầu tư cho các dự án nguồn, lưới điện được nêu trong kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 rất lớn.

"Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính trong nước không đủ sức cung ứng vốn cho các dự án điện tái tạo vốn dĩ đòi hỏi nguồn vốn dài hạn rất lớn. Thế nên, nguồn tài chính này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và đầu tư gián tiếp qua trái phiếu của doanh nghiệp. Trước mắt, đầu tư lưới điện để giảm áp lực truyền tải, lấy vốn ngân sách hoặc trích từ tích lũy nội bộ ngành, xã hội hóa... Thậm chí, nên có chính sách tiết kiệm thắt lưng buộc bụng để có vốn đầu tư dài hạn. Còn đầu tư nguồn điện, chỉ có thể trông chờ vào vốn đầu tư từ nước ngoài, ODA hoặc phát hành trái phiếu quốc tế và vay trên thị trường vốn quốc tế; vốn từ xã hội hóa khác…", ông Lạng phân tích.

Dù vậy do nhu cầu phát triển và yêu cầu đặt ra của ngành năng lượng so với các ngành khác, theo ông Lạng, có khó lắm cũng phải cố để đầu tư. Một nền công nghiệp hóa phụ thuộc hoàn toàn vào điện khí hóa. Thế nên, vấn đề là hiệu quả sử dụng và hiệu quả lan tỏa sau khi đầu tư, thậm chí chấp nhận lỗ giai đoạn đầu để phục vụ các ngành khác. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn. Bởi hiện nay, nhiều ngân hàng đưa ra rào cản kỹ thuật về bảo vệ môi trường khi cho vay các dự án điện.

Dẫn báo cáo về khả năng vay vốn của các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện 8 của nhóm chuyên gia của FiinRatings và Indochine Counsel, ông Nguyễn Thường Lạng cho rằng thách thức lớn để đạt được các mục tiêu tham vọng mà Chính phủ đã đề ra.

Theo FiinRatings và Indochine Counsel, khoản đầu tư 135 tỉ USD trong 10 năm tới sẽ chuyển thành khoảng 13,5 tỉ USD giải ngân vốn dài hạn mới. Số tiền này là quá lớn đối với tăng trưởng tín dụng dài hạn hiện nay của hệ thống ngân hàng VN. Ngoài ra, kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 đã không đưa ra hướng dẫn cụ thể về cơ chế định giá cho các dự án sắp tới.

Chính việc thiếu một cơ chế định giá minh bạch có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá khả năng tài chính của khoản đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ cần sớm ban hành một khung định giá minh bạch và toàn diện có tính đến chi phí và lợi nhuận tiềm năng của các dự án năng lượng tái tạo.

GS-TSKH Trần Đình Long, Hội Điện lực VN, cho rằng chính sách giá hợp lý là điều quan trọng nhất để thu hút xã hội hóa, vốn từ nước ngoài vào hạ tầng ngành điện lực. Từ đầu tư truyền tải lẫn thu hút nguồn vốn lớn làm nguồn điện. Giống như câu chuyện đầu tư phát triển điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà trong mấy năm trước, chính sách ưu đãi về giá đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Theo đó, các dự án điện gió, điện khí từ nước ngoài được triển khai tạo làn sóng đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo. Điều này giúp giảm gánh nặng trong việc thu xếp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước và phần đảm bảo an ninh năng lượng.

"Tuy nhiên, nay giá ưu đãi đã hết, giá mới chưa thỏa thuận xong, toàn là hợp đồng giá tạm bằng 50% giá khung đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Chưa có gì rõ ràng cả. Cần có chính sách về giá rõ ràng hơn, cơ chế ưu đãi thế nào thì trong thời gian tới mới thu hút được nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn, đặc biệt nguồn điện tái tạo", GS Trần Đình Long nhấn mạnh.

Bộ Công thương phải sớm hoàn thiện cơ chế đấu thầu, hoặc quy trình hợp tác công tư, chỉ định thầu, đấu thầu thế nào để bảo đảm được các yếu tố minh bạch… Bên cạnh đó, phải sửa đổi luật Điện lực, xây dựng luật Năng lượng tái tạo để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

GS-TSKH Trần Đình Long
Nguyên Nga

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246