TÍCH HỢP ESG VÀO CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM DỮ LIỆU BỀN VỮNG

TÍCH HỢP ESG VÀO CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM DỮ LIỆU BỀN VỮNG
08/08/2023 06:58 AM 385 Lượt xem

Ngày càng có nhiều các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, đẩy mạnh đầu tư vào các giải pháp chuyển dịch sang năng lượng sạch, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững...


Những nguồn năng lượng sạch đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm đầu tư.
CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong bối cảnh nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0 vào khoảng giữa thế kỷ như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu xây dựng những chiến lược dài hạn nhằm chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải carbon.

Theo BloombergNEF, năm 2022, tổng đầu tư cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu đạt 1,1 nghìn tỷ USD, tăng 31% so với năm trước. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Hầu hết các nền kinh tế lớn đều đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng bằng công nghệ năng lượng mặt trời và gió, thu giữ carbon và năng lượng dự phòng như hạt nhân, khí thiên nhiên tái tạo, pin và hydro.

Việt Nam là một trong các quốc gia cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cũng như thực hiện tốt hơn quy định về tiết kiệm năng lượng.

Theo báo cáo năm 2022 của Cushman & Wakefield, các trung tâm dữ liệu tiêu thụ đặc biệt tiêu thụ năng lượng do có hệ thống máy móc hoạt động không ngừng nghỉ. Lượng khí thải carbon từ các trung tâm dữ liệu cũng đóng góp tới 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, xếp trên cả ngành hàng không, vận tải biển và nông nghiệp.

Trước thực tế đó, một số nhà khai thác trung tâm dữ liệu không chỉ bắt đầu đặt ra các mục tiêu về chiến lược ESG bao gồm ba tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (environmental, social, governance) đầy tham vọng, mà họ còn đang dần triển khai các hoạt động để đạt được mục tiêu đó.

ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU “XANH”

Khi công nghệ tiếp tục phát triển cùng với sự mở rộng của các trung tâm dữ liệu, mạng lưới năng lượng sẽ ngày càng chịu nhiều áp lực, đẩy giá năng lượng tăng cao và trở thành vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp.

Điều này đã khiến các nhà quản lý trung tâm dữ liệu theo đuổi các biện pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí, bao gồm triển khai các công nghệ giúp tăng sản lượng năng lượng được tạo ra từ các nguồn tái tạo. Các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động kinh tế từ các yếu tố môi trường như tính bền vững và biến đổi khí hậu.

Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây lớn tại thị trường Việt Nam, Viettel IDC đã bắt đầu xây dựng hệ thông pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện một phần cho trung tâm dữ liệu Bình Dương từ năm 2020, với mục tiêu chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch vào vận hành khai thác, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế khắt khe ISO 50001 về Hệ thống quản lý năng lượng.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời của Trung tâm dữ liệu Bình Dương gồm 408 tấm pin, có tổng công suất 182 KWp. Hiện tại, trung bình mỗi tháng hệ thống này cung cấp khoảng 19.200 KWH cho trung tâm. Điện năng lượng mặt trời được hòa vào hệ thống điện chiller của trung tâm dữ liệu, giúp giảm 1 phần công suất tiêu thụ từ điện lưới.


Trung tâm dữ liệu Bình Dương sử dụng điện năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống máy chủ. Ảnh: Viettel IDC.
Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho biết: “Việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cho trung tâm dữ liệu của Viettel IDC hiện nay mới ở giai đoạn bước đầu, chúng tôi đang trong lộ trình mở rộng sử dụng hệ thống này cho các trung tâm dữ liệu khác. Không chỉ xây dựng các trung tâm dữ liệu xanh, chúng tôi còn triển khai các sản phẩm “green cloud”, từ đó phát triển một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ xanh, bền vững”.

Bên cạnh việc đưa năng lượng mặt trời vào hệ thống vận hành trung tâm dữ liệu, Viettel IDC cũng đầu tư vào các thiết bị có hiệu suất cao như trạm biến áp, bộ lưu điện với chế độ Eco-conversion; hệ thống làm mát Economizer thông minh hay Ắc quy lithium để giảm việc sử dụng năng lượng không cần thiết. Đồng thời, sử dụng hệ thống DCIM để giám sát, đo lường và quản lý các trung tâm dữ liệu, từ đó giúp vận hành một cách hiệu quả.

Đáng chú ý, mới đây Viettel IDC đã đánh giá và lấy thành công chứng chỉ ISO 14001:2015 về Hệ thống quản lý môi trường và ISO 45001:2018 về Hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động. Qua đó, thể hiện vai trò là nhà cung cấp nội địa tiên phong ứng dụng công nghệ “xanh” vào hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường làm việc an toàn, đảm bảo các hoạt động kinh doanh phát triển bền vững.
Tuấn Sơn

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246