THỊ TRƯỜNG LNG TOÀN CẦU TĨNH LẶNG NGOÀI MONG ĐỢI- CHUYÊN GIA BỖNG ĐÂM LO: CÓ PHẢI BÌNH YÊN TRƯỚC CƠN BÃO, CHỈ MỘT NHÂN TỐ CÓ THỂ XOAY CHUYỂN TẤT CẢ

THỊ TRƯỜNG LNG TOÀN CẦU TĨNH LẶNG NGOÀI MONG ĐỢI- CHUYÊN GIA BỖNG ĐÂM LO: CÓ PHẢI BÌNH YÊN TRƯỚC CƠN BÃO, CHỈ MỘT NHÂN TỐ CÓ THỂ XOAY CHUYỂN TẤT CẢ
17/11/2023 01:37 PM 160 Lượt xem

Điều đáng sợ là không ai biết trước nhân tố này sẽ xoay chuyển ra sao.


Thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay đang yên ả hơn ở thời điểm này trong năm so với thường lệ do tồn kho ở cả châu Âu và châu Á đều ở mức cao trong khi thời tiết không có dấu hiệu bất thường.

Nhu cầu ở châu Âu và châu Á đang tăng trong tháng 11 so với tháng 10 nhưng giá LNG giao ngay ở châu Á đã giảm trong 3 tuần còn ở châu Âu cũng bắt đầu giảm những ngày gần đây. Tuy nhiên, sự bình yên trên thị trường LNG có thể lại trở thành bất ổn nếu lo ngại về nguồn cung xuất hiện và nếu mùa đông năm nay thực sự lạnh ở châu Âu và châu Á.

Các nhà phân tích khuyến nghị các chính phủ và thị trường không nên tự mãn khi mùa đông đến gần vì rủi ro nguồn cung và giá cả tăng cao vẫn còn.

Nhu cầu tăng nhẹ không ảnh hưởng đến giá LNG giao ngay

Nhu cầu LNG ở cả châu Á và châu Âu đã tăng trong tháng này so với tháng 10, theo dữ liệu từ Kpler, được Reuters trích dẫn.

Nhập khẩu ở châu Á dự kiến tăng lên 22,67 triệu tấn trong tháng 11 từ mức 21,18 triệu tấn trong tháng 10 với Trung Quốc dẫn đầu về nhập khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của Nhật Bản ước tính không thay đổi so với tháng trước trong khi Ấn Độ giảm. Trong khi đó, nhập khẩu LNG của châu Âu cũng đang tăng, dự kiến đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 trong tháng 11 này.

Bất chấp nhu cầu cao hơn, giá LNG giao ngay tháng 12 tới Đông Bắc Á đã giảm 3% so với tuần trước, xuống còn 16,5 Usd/MMBtu. Giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm 3 tuần liên tiếp trong bối cảnh thời tiết ôn hòa và tồn kho cao.

Ngoài ra, các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Trung Quốc đang bán lại nhiều hàng hóa hơn trong năm nay nhằm tăng lợi nhuận thương mại và cân bằng nguồn cung khí đốt, theo dữ liệu hải quan gần đây của Trung Quốc.


Có phải là “bình yên trước cơn bão”

Thị trường LNG có vẻ bình yên hơn thường lệ trong tháng 11 khi nhu cầu sưởi ấm thường tăng ở cả châu Âu và châu Á.

Tuy nhiên, không ai có thể dự đoán được mùa đông năm nay ở Bắc bán cầu lạnh đến mức nào. Mùa đông năm ngoái ấm hơn thường lệ ở châu Âu khi lục địa này tranh giành nhập khẩu LNG bất chấp giá tăng vọt để thay thế nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga.

Tuy nhiên, không gì đảm bảo mùa đông năm nay sẽ ấm và thời tiết có thể là nhân tố chính thúc đẩy giá LNG. “Thời tiết là ẩn số lớn nhất”, Colin Parfitt – Phó chủ tịch phụ trách nguồn cung của Chevron nói với Bloomberg hồi đầu tháng.

“Chúng tôi vẫn chưa rảnh rỗi. Có nguy cơ biến động”, ông nói thêm.

Tháng trước, Giám đốc diều hành Russel Hardy của Vitol Group cho biết một phần nhu cầu khí đốt ở châu Âu đã mất đi do khủng hoảng năng lượng và giá cao. “Chúng tôi dự đoán một phần nhu cầu sẽ mất vĩnh viễn”, ông nói.

Ngay cả như vậy, châu Âu và các nền kinh tế lớn vẫn chưa thể chủ quan. Một mùa đông lạnh giá có thể làm bộc lộ sự mong manh của nguồn cung LNG toàn cầu ngay lập tức.

“Chúng tôi không có bất cứ vùng đệm nào trong hệ thống khí đốt”, Markus Krebber, CEO của RWE – công ty năng lượng lớn nhất của Đức, nói. Ông đồng thời cho biết thêm nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt để tránh tình trạng thiết hụt trong tương lai.

Cục Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho khí đốt tự nhiên tương đối đầy đủ ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, rủi ro về sự cân bằng này có thể xảy ra nếu có vấn đề về thời tiết. “Thời tiết lạnh giá hoặc một nguồn cung nào đó ngừng cung cấp ngoài dự kiến có thể dẫn đến tăng giá và sự cân bằng trên thị trường khí đốt toàn cầu”.

Đức Nam

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246