THẾ GIỚI VẪN CÒN CƠ HỘI ỨNG PHÓ VỚI TRÁI ĐẤT NÓNG LÊN

THẾ GIỚI VẪN CÒN CƠ HỘI ỨNG PHÓ VỚI TRÁI ĐẤT NÓNG LÊN
27/09/2023 07:40 AM 247 Lượt xem

Trong báo cáo công bố ngày 26/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết mức tăng trưởng kỷ lục trong công nghệ năng lượng sạch đồng nghĩa thế giới vẫn còn hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu, tuy nhiên các quốc gia cần quyết liệt hơn nữa.


IEA cho biết các quốc gia cần quyết liệt hơn để có thể đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 của mình. Ảnh: Reuters

Theo NY Times, IEA trong báo cáo mới nhất đã đưa ra lộ trình cập nhật về những gì cần thực hiện để cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng của thế giới xuống ngưỡng gần bằng 0 vào năm 2050. Nếu thành công, các quốc gia có thể ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, từ đó làm giảm bớt nguy cơ biến đổi khí hậu.

Trên thực tế kể từ khi lộ trình được đưa ra lần đầu vào năm 2021, thế giới đã có nhiều bước tiến phù hợp với mục tiêu đặt ra, thể hiện ở sự gia tăng công suất năng lượng mặt trời và doanh số bán xe điện toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết đầu tư toàn cầu vào năng lượng phát thải thấp đã tăng khoảng 40%, đạt 1.800 tỷ USD năm 2023.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo thế giới sẽ không thể giải quyết biến đổi khí hậu chỉ với năng lượng mặt trời và pin. Để có thể theo kịp lộ trình, trong năm 2023, tất cả các quốc gia sẽ phải ngừng phê duyệt các nhà máy than mới ngoài những nhà máy hiện đang được xây dựng. Đến năm 2025, các chính phủ sẽ cần chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong việc sưởi ấm các tòa nhà.

Vào năm 2030, ô tô điện cần chiếm 65% doanh số bán mới trên toàn cầu trong khi năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo khác cần tăng gấp 3 lần so với mức hiện nay. Các quốc gia cũng cần bắt đầu cắt giảm khí thải từ ngành công nghiệp nặng trong khi tăng cường đầu tư vào các công nghệ như hydro sạch và thu giữ carbon.

Nếu thế giới áp dụng tất cả các biện pháp này, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch toàn cầu có thể giảm 20% vào năm 2030. Trong tình huống đó, các chính phủ sẽ không cần phê duyệt bất kỳ dự án dầu hoặc khí đốt mới lớn nào và những mỏ được phát triển có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng.

Lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 của IEA cũng sẽ yêu cầu một quá trình chuyển đổi công bằng, có tính đến hoàn cảnh riêng biệt của từng quốc gia và yêu cầu các nền kinh tế tiên tiến đạt mức 0 ròng sớm hơn các nền kinh tế đang phát triển.

Hầu hết các quốc gia đã đặt ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0, với Mỹ và Liên minh Châu Âu đang hướng tới năm 2050, Trung Quốc hướng tới năm 2060 và Ấn Độ vào năm 2070. Dù vậy, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, báo cáo cho biết các chính phủ sẽ cần phải đẩy thời hạn đó lên nhanh hơn.

Dù vậy, tính tới hiện tại, các quốc gia vẫn chưa đủ quyết liệt trong các biện pháp chuyển đổi xanh. Về mặt kỹ thuật, thế giới vẫn có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C nhưng cơ hội này đang bị “thu hẹp”, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến đổi và căng thẳng.

NY Times dẫn lời Tiến sĩ Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, cho biết: “Chúng tôi có các công cụ để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất đối với tôi là sự chia rẽ chính trị ngày càng tăng giữa các quốc gia. Không có con đường nào giúp thế giới đạt được mục tiêu net zero nếu không có sự hợp tác quốc tế công bằng và hiệu quả”.

Tổ chức này cũng cho biết thế giới sẽ cần đầu tư gần 4.500 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn từ đầu thập kỷ tới, tăng so với mức chi tiêu 1.800 tỷ USD dự kiến vào năm 2023.

Ngân Hà

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246