THẾ GIỚI NỢ NHIỀU CHƯA TỪNG THẤY

THẾ GIỚI NỢ NHIỀU CHƯA TỪNG THẤY
21/09/2023 07:39 AM 232 Lượt xem

Tổng nợ toàn cầu, bao gồm nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ của hộ gia đình tăng thêm 10 nghìn tỷ USD trong 6 tháng đầu năm...


Đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo để chống biến đổi khí hậu là một nguyên nhân khiến thế giới nợ nần nhiều hơn - Ảnh: FT.

Khối nợ trong nền kinh tế toàn cầu lập kỷ lục mới trong nửa đầu năm nay, và tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu cũng tăng trở lại sau gần 2 năm giảm - theo một báo cáo từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Tổng nợ toàn cầu, bao gồm nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ của hộ gia đình tăng thêm 10 nghìn tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, lên mức 307 nghìn tỷ USD - báo cáo theo dõi nợ toàn cầu do IIF công bố ngày 19/9 cho biết. Mức đỉnh trước đó của nợ toàn cầu được thiết lập vào đầu năm 2022, thời điểm trước khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát.

Tỷ lệ của nợ toàn cầu so với GDP - chỉ số trước đó đã giảm do lạm phát cao - lại tăng lên mức 336% vào cuối tháng 6 năm nay, cao hơn 2 điểm phần trăm so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục 360% thiết lập trong đại dịch Covid-19.

Khối nợ toàn cầu phình to trong bối cảnh lãi suất cao hơn ở hầu hết các quốc gia đẩy cao chi phí vay nợ. Sự gia tăng của nợ cũng diễn ra khi việc đầu tư cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gây áp lực đòi hỏi các chính phủ phải tăng cường chi tiêu.

“Mối lo của chúng tôi là các quốc gia sẽ phải chi ngày càng nhiều cho việc trả lãi vay. Việc này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến chi phí vay nợ và các động lực nợ của mỗi quốc gia”, chuyên gia Emre Tiftik - trưởng nhóm tác giả báo cáo của IIF - nhận định.

Cũng theo báo cáo, hơn 80% phần nợ tăng thêm trong nửa đầu năm nay đến từ các quốc gia phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp là những nước có mức nợ tăng nhiều nhất.

“Tiền lãi nợ gia tăng là một rủi ro lớn đối với nền tài chính công và định hạng tín nhiệm quốc gia, nhất là ở các thị trường phát triển”, Giám đốc điều hành Edward Parker của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nói với tờ Financial Times.


Tổng nợ toàn cầu (màu xanh nhạt, đơn vị: nghìn tỷ USD) và tỷ lệ nợ toàn cầu so với GDP (xanh đậm, đơn vị: %).

Hoá đơn lãi nợ của các nền kinh tế phát triển đã đi ngang về mặt danh nghĩa trong thời gian từ năm 2007 đến 2021, cho dù mức nợ tăng lên. “Nhưng bữa trưa miễn phí đó đã kết thúc và tiền lãi đang tăng nhanh hơn so với nợ hay thu ngân sách quốc gia”, ông Parker nhấn mạnh.

Chi phí lãi vay được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng vì có thêm nhiều khoản nợ cần được đảo nợ và lạm phát vẫn giữ ở mức cao để chống lạm phát - báo cáo của IIF nhận định. Cùng ngày 19/9, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD) cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương cần phải giữ lãi suất ở mức cao hoặc tăng lãi suất thêm để khống chế lạm phát, cho dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế.

Các chuyên gia của IIF cho biết họ đặc biệt lo ngại về sự gia tăng của lãi vay đối với các khoản nợ phát hành bằng đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi. Những khoản lãi này hiện chiếm hơn 80% tổng lãi vay của các quốc gia mới nổi.

IIF cảnh báo khi có thêm nhiều quốc gia buộc phải tái cơ cấu nợ, mức nợ trong nước cao sẽ đặt những nước đó vào tình thế dễ tổn thương vì chương trình tái cơ cấu nợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường hướng tới các chủ nợ bên ngoài như các quỹ đầu tư và chủ nợ là quốc gia khác, cùng với các khoản nợ phát hành bằng ngoại tệ.

“Các công cụ truyền thống mà chúng ta có chủ yếu được thiết kế để xử lý các vấn đề nợ quốc tế, khiến cho các thị trường mới nổi rơi vào một vòng luẩn quẩn của nợ và lạm phát, dẫn tới sự sụt giảm mạnh mẽ của tiềm năng tăng trưởng”, ông Tiftik nhận định.

Bản báo cáo của IFF được đưa ra sau một cảnh báo của IMF hồi tuần trước rằng các chính phủ “nên triển khai các biện pháp cấp bách để giảm rủi ro nợ nần và đảo ngược các xu hướng dài hạn của nợ”. “Giảm gánh nặng nợ nần sẽ tạo ra không gian tài khoá và cho phép các khoản đầu tư mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới”, IMF khuyến nghị.

Bình Minh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246