THẾ GIỚI CHỈ CÒN TỪ 70-100 NĂM ĐỂ SỬ DỤNG 3 LOẠI NĂNG LƯỢNG TRUYỀN THỐNG

THẾ GIỚI CHỈ CÒN TỪ 70-100 NĂM ĐỂ SỬ DỤNG 3 LOẠI NĂNG LƯỢNG TRUYỀN THỐNG
15/10/2023 06:34 AM 119 Lượt xem

Việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế. Các quốc gia cũng có thể đối mặt với những thách thức về sử dụng năng lượng truyền thống, do đó việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là một giải pháp thiết yếu.
Tham luận tại Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” do Báo Điện tử VOV tổ chức sáng nay (12/10), TS Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, hiện nay thế giới đang phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá, và khí tự nhiên. Những nguồn năng lượng này không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến ô nhiễm nước và đất, mà còn đang dần cạn kiệt, đặt ra một mối đe dọa cho cung cấp năng lượng ổn định trong tương lai.


Trong khi đó, năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, và thủy điện, cung cấp một giải pháp bền vững, không gây hại cho môi trường và tái tạo được. Đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu để các quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch. Các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng này trong cả sản xuất và tiêu dùng hàng ngày. 
Ông Chử Đức Hoàng dự báo, thế giới chỉ còn 70 – 100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống. Trong đó, than đá tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn. Dầu mỏ mỗi năm tiêu thụ 35 tỷ thùng trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỉ thùng. Khí đốt mỗi năm tiêu thụ là 4.000 tỉ m3 trong khi dự trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỉ m3.


TS Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Văn Ngân
 Theo TS Chử Đức Hoàng, năng lượng truyền thống có tác động tiêu cực gây ô nhiễm môi trường, tác động tới biến đổi khí hậu và phá vỡ sự cân bằng sinh thái, phát sinh sự cố mất an toàn như sập lò, nổ lò, rò rỉ, cháy nổ, vỡ đập, xả lũ… Đặc biệt những nguồn năng lượng truyền thống này phân bố không đồng đều, công nghệ khai thác dẫn đến các cuộc cạnh tranh thương mại trên quy mô toàn cầu, thậm chí đã trở thành những cuộc chiến tranh năng lượng song phương hoặc đa phương.


Nói về vấn đề an ninh năng lượng hiện nay, TS Hoàng nhận định, việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế. Các quốc gia cũng có thể đối mặt với những thách thức về sử dụng năng lượng truyền thống, do đó việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là một giải pháp thiết yếu. Trong quá trình chuyển đổi này, công nghệ đóng một vai trò quan trọng, từ việc tạo ra các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng, đến việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng này trong cả sản xuất và tiêu dùng hàng ngày.
"Các ví dụ về công nghệ mới, như công nghệ pin lưu trữ năng lượng và công nghệ thu năng lượng mặt trời hiệu quả hơn, đã được đề cập để mô tả cách chúng giúp chúng ta chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch. Đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng, sự chuyển đổi này không chỉ là một lựa chọn mà còn là một nhu cầu cấp thiết", TS Chử Đức Hoàng nói.
Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới nếu không chuyển dịch năng lượng 
Ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T cũng đồng quan điểm rằng, thời kỳ sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch giá rẻ đóng vai trò lớn trong sản xuất điện thời gian qua được dự báo là sẽ có rất nhiều bất định bởi sự suy cạn dần về trữ lượng khai thác cũng như tình trạng có thể gián đoạn nguồn cung trong chuỗi cung ứng mà đi kèm theo đó là giá nhiên liệu tăng và có thể tăng rất cao bất thường do các yếu tố thiếu ổn định về địa chính trị.


Ông Nguyễn Đức Cường, Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T. Ảnh: Văn Ngân
Do vậy, nếu không sớm có các giải pháp chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ thì trong tương lai, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới bởi, tiềm năng nguồn thuỷ điện lớn của Việt Nam cơ bản sẽ được khai thác hết trong thập kỷ này trong khi nguồn khí thiên nhiên cơ bản đã đạt ngưỡng và đang đi xuống, còn nguồn than mỏ trong nước có giới hạn cả về trữ lượng lẫn khả năng khai thác, sử dụng. 
"Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với các cam kết chính trị mạnh mẽ của nhiều nước trong đó có Việt Nam về cắt giảm khí nhà kính cho thấy xu hướng xanh hóa trong sản xuất cũng như tiêu dùng, đặc biệt là trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng cũng như chuyển dịch năng lượng đang trở thành vấn đề cấp thiết, quan trọng trong sách lược phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường của các nước trong đó có Việt Nam.  
Việc Việt Nam cam kết đạt mục tiêu khử các bon hoàn toàn vào giữa thế kỷ này càng khiến cho Việt Nam này trở thành điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Hơn thế nữa, điện gió ngoài khơi được coi là nguồn năng lượng không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do vậy, điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.


 Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan, công ty truyền thông Công ty Cổ phần Tiếp thị và Kinh doanh Quốc tế BGC tổ chức. Diễn đàn có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP ( PVFCCo).
 
Nguyễn Trang/VOV.VN

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246