THÁCH THỨC BỦA VÂY CÁC NHÀ SẢN XUẤT TURBINE ĐIỆN GIÓ

THÁCH THỨC BỦA VÂY CÁC NHÀ SẢN XUẤT TURBINE ĐIỆN GIÓ
06/07/2023 06:43 PM 370 Lượt xem

Nhietdien.vn: Các vấn đề chất lượng linh kiện ở đơn vị tuốc-bin gió của Công ty năng lượng Siemens Energy (Đức) có thể mất 1 tỉ euro để khắc phục. Điều này càng làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư trong một ngành công nghiệp đang vật lộn với hàng loạt thách thức liên quan đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao và cạnh tranh khốc liệt.

Công ty năng lượng Siemens Energy (Đức) thừa nhận các tuốc-bin gió do Siemens Gamesa sản xuất gặp các vấn đề về chất lượng linh kiện, có thể mất nhiều năm để khắc phục. Ảnh: World Energy Trade
Cổ phiếu của Siemens Energy, công ty mẹ của nhà sản xuất tuốc-bin gió Siemens Gamesa, giảm đến 37% trong phiên giao dịch hôm 23-6, khiến vốn hóa bị thổi bay gần 7 tỉ euro. Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của Siemens Energy sau khi công ty cảnh báo các vấn đề chất lượng linh kiện tuốc-bin gió của Siemens Gamesa sẽ mất nhiều năm để khắc phục với chi phí ước tính sơ bộ khoảng 1 tỉ euro.

Cũng trong phiên giao dịch hôm đó, giá cổ phiếu của nhiều nhà sản xuất tuốc-bin gió khác ở châu Âu như Nordex và Vestas cũng giảm ở mức độ nhẹ hơn vì giới đầu tư lo ngại vấn đề chất lượng của Siemens Gamesa là triệu chứng của một vấn đề rộng lớn hơn trong ngành công nghiệp điện gió.

Cuối tháng 6, Siemens Energy hủy bỏ dự báo lợi nhuận trong năm nay, với lý do “tỷ lệ hỏng và lỗi linh kiện tuốc-bin gió tăng lên đáng kể ở  Siemens Gamesa”.

Christian Bruch, CEO của Siemens Energy, thừa nhận với các phóng viên rằng vấn đề chất lượng của Siemens Gamesa nghiêm trọng hơn dự kiến.

Siemens Gamesa là công ty toàn cầu, có trụ sở tại Tây Ban Nha chuyên sản xuất tuốc-bin cho ngành công nghiệp gió và cung cấp dịch vụ cho các nhà phát triển năng lượng gió.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của công ty, tiếp theo là Anh và Đài Loan. Tính đến cuối tháng 4, công ty đã cung cấp các tuốc-bin gió có tổng công suất 132 GW, gồm 108 GW công suất trên bờ và 22 GW công suất ngoài khơi.

Công ty đạt mức doanh thu khoảng 9,8 tỉ euro mỗi năm và có danh sách đơn đặt hàng tồn đọng trị giá 34,6 tỉ euro.

Công ty lần đầu phát hiện ra các linh kiện bị lỗi tại Siemens Gamesa hồi tháng 1. Điều này đã thúc đẩy Siemens Energy mua cổ phần thiểu số còn lại của Siemens Gamesa để kiểm soát hoàn toàn hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất tuốc-bin gió vào đầu tháng 6.

Hầu hết các vấn đề của Siemens Gamesa liên quan đến các tuốc-bin trên bờ, chẳng hạn, một số bộ phận nhất định như cánh quạt và ổ trục có các lỗi từ rạn nứt nhỏ cho đến linh kiện bị hỏng, cần thay thế và một số lỗi liên quan đến thiết kế sản phẩm.

Siemens Energy cho biết vấn đề chất lượng có thể ảnh hưởng khoảng 15-30% trong số 29.000 tuốc-bin mà Siemens Gamesa đang cung cấp dịch vụ trên toàn cầu.

Siemens Gamesa đã thực hiện đánh giá kỹ thuật về thiết kế sản phẩm và các tuốc-bin gió đã được lắp đặt ở trên bờ. Công ty hiện đang tính toán các biện pháp khắc phục sự cố và các chi phí liên quan.

Công ty cho biết sau khi phân tích đầy đủ tình hình, sẽ đưa ra ước tính chính xác hơn về chi phí từ các sự cố khi công bố kết quả kinh doanh quí 3 vào đầu tháng 8.

Các nhà phân tích của ngân hàng Jefferies dự kiến chi phí để khắc phục vấn đề chất lượng của Siemens Gamesa có thể lên đến 2 tỉ euro của họ, 1,75 tỉ euro cho trên đất liền và 250 triệu euro cho ngoài khơi.

Vấn đề chất lượng càng gây sức ép lên ngành công nghiệp điện gió, vốn đang đối mặt nhiều thách thức từ chi phí vật liệu thô gia tăng, cạnh tranh gay gắt cho đến ách tắc chuỗi cung ứng.

Ngành công nghiệp này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa trong đại dịch Covid-19. Tiếp đó, các vấn đề về chuỗi cung ứng gây khó khăn các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của ngành.

Các nhà sản xuất này hứng thêm cú sốc do lạm phát và chi phí đầu vào tăng cao sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn thị trường và làm trầm trọng thêm ách tắc chuỗi cung ứng. WindEurope, tổ chức thúc đẩy sử dụng điện gió ở châu Âu, ước tính chi phí hàng hóa cao dẫn đến giá tuốc-bin gió tăng tới 40% trong hai năm qua. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tuốc-bin gió không thể chuyển chi phí cao hơn sang những khách hàng đã đặt hàng cách đây 2 hoặc 3 năm.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang đặt ra các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn, đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng gió. Nhưng tham vọng của họ khó có thể đạt được đúng như lộ trình đặt ra. Nhiều nhà phát triển năng lượng gió chứng kiến các dự án bị đình trệ do tình trạng thiếu linh kiện và chi phí gia tăng.

Nicholas Green, người đứng đầu bộ phận công nghệ công nghiệp và tư liệu sản xuất ở Liên minh châu Âu của Công ty quản lý tài sản AllianceBernstein, cho rằng chất lượng có thể là vấn đề của toàn bộ ngành công nghiệp điện gió vì ngành này tăng trưởng quá nhanh.

Ngành công nghiệp gió mở rộng nhanh chóng trong hai thập niên qua với chi phí đôi lúc giảm về mức thấp hơn nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, ngành cũng nâng cao tính hiệu quả với các tuốc-bin gió có kích cỡ ngày càng lớn hơn và giảm sự phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước.

Christoph Zipf, người phát ngôn của WindEurope, nói: “Việc giảm chi phí đạt được nhờ những đổi mới trong công nghệ tuốc-bin và bằng cách vượt qua giới hạn của kỹ thuật”. Ông cho biết 20 năm trước, một tuốc-bin gió điển hình sẽ có công suất 1 MW. Hiện nay, các nhà sản xuất thiết bị gốc ở châu Âu, đang thử nghiệm tuốc-bin gió có công suất lên đến 15 MW.

“Điều này có nghĩa là các tuốc-bin sẽ có kích thước lớn hơn, đặt ra những thách thức về chất lượng, vật liệu, tuổi thọ đối với các linh kiện”, Zipf nói thêm.

Tuy nhiên, ông cho rằng chất lượng là vấn đề riêng của Siemens Gamesa, chứ không phải của toàn ngành.

Theo ONYX Insight, tổ chức theo dõi hoạt động của 14.000 tuốc-bin gió, ở 30 nước, hầu hết tuốc-bin được thiết kế và chứng nhận chất lượng hoạt động trong 20 năm. Tuy nhiên, các linh kiện có thể bị lỗi trong thời gian đó do “sự thỏa hiệp giữa chí phí của hệ thống và độ tin cậy”.

ONYX Insight ước tính đối với những tuốc-bin gió lắp đặt trong năm 2023, sẽ có hơn 40% hộp số, 20% ổ trục chính và hơn 5% cạnh quạt cần thay thế sau vòng đời 20 năm của dự án

Khi nhiều chính phủ công bố các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, áp lực phát triển năng lượng tái tạo nhanh chóng tăng lên.

Các nhà phát triển dự án điện gió truyền thống, chẳng hạn như các công ty điện lực, ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn dầu khí đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ.

 Theo CNBC, Reuters

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246