SEMBCORP UTILITIES ĐƯỢC CẤP PHÉP NHẬP KHẨU 1,2 GW NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TỪ PTSC

SEMBCORP UTILITIES ĐƯỢC CẤP PHÉP NHẬP KHẨU 1,2 GW NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TỪ PTSC
25/10/2023 07:24 AM 186 Lượt xem

Singapore sẽ nhập khẩu 1,2 gigawatt (GW) điện carbon thấp (chủ yếu là điện gió) từ Việt Nam, nhằm đạt được mục tiêu nhập khẩu 4GW năng lượng tái tạo vào năm 2035.


Phát biểu tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore (SIEW) tổ chức ngày 24/10, Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Tan See Leng cho biết, Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) của nước này đã cấp phép có điều kiện cho Sembcorp Utilities nhập khẩu điện từ Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Dự kiến, lượng điện nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của Singapore và sẽ được truyền tải bằng cáp ngầm có chiều dài khoảng 1.000km.

Theo The Straits Times, trước đó, Singapore đã tiến hành ký kết các thỏa thuận tương tự để nhập khẩu 2GW điện carbon thấp từ Indonesia và 1GW điện từ Campuchia (bao gồm thủy điện, mặt trời và tiềm năng là điện gió).

Như vậy, tổng lượng điện nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 30% trong cơ cấu nguồn điện của Singapore vào năm 2035.

Phát biểu tại tuần lễ SIEW lần này, Bộ trưởng Tan nhận định: “Năng lượng sạch là một trong những công cụ quan trọng nhất trong kho vũ khí của chúng ta trước mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu”.

Có 5 yếu tố cần thiết để Singapore hiện thực hóa tham vọng Net Zero, đó là hiện thực hóa hoạt động mua bán điện xuyên biên giới (lưới điện ASEAN), đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ, phát triển năng lượng mặt trời, lưới điện linh hoạt thông minh và phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng.

“Singapore tin tưởng chắc chắn rằng, hoạt động mua bán điện xuyên biên giới sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người cũng như các bên liên quan. Trong năm nay, chúng tôi đã cấp phép phê duyệt có điều kiện để nhập khẩu điện carbon thấp từ Việt Nam, Indonesia và Campuchia. Chúng tôi đang trên đà đạt được mục tiêu nhập khẩu 4GW điện carbon thấp khi các dự án này được triển khai.

Tôi tin tưởng rằng Singapore có thể đạt được mục tiêu Net Zero nếu chúng ta lên kế hoạch trước và kiên định với quyết tâm của mình”, ông Tan nhấn mạnh.

Cùng lúc đó, Singapore đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu đầu tiên với Mỹ để xem xét các kết nối điện hiện có và tiềm năng ở ASEAN, cũng như các lợi ích kinh tế - xã hội của kết nối năng lượng khu vực. Hai nước đang có kế hoạch bắt đầu giai đoạn thứ hai của nghiên cứu, tập trung vào các khuôn khổ quản trị và tài chính để thực hiện các dự án mua bán năng lượng xuyên biên giới.

Dự án thủy điện Lào-Singapore, bắt đầu vào tháng 6/2022 và liên quan đến việc nhập khẩu tới 100 megawatt (MW) năng lượng tái tạo qua Thái Lan và Malaysia, ông Tan chỉ ra rằng việc mua bán điện xuyên biên giới qua nhiều quốc gia có thể trở thành hiện thực ở Đông Nam Á.

“Kể từ khi bắt đầu hoạt động, khoảng 270GWh điện đã được xuất khẩu từ Lào sang Singapore. Cả bốn nước hiện đang thảo luận về cách nâng cao dự án này, bao gồm việc mua bán ở mức công suất trên 100MW và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng điện phát theo mọi hướng”, ông nói thêm.

“Chúng tôi hy vọng những dự án này sẽ hỗ trợ sự phát triển của lưới điện ASEAN rộng lớn hơn của chúng tôi. Với những tiến bộ tốt đẹp của sáng kiến ​​này cho đến nay, chúng tôi hiện đang nghiên cứu khả năng thực hiện nhiều dự án nhập khẩu điện hơn, đồng thời tính đến an ninh năng lượng và chi phí”, ông Tan cho biết.


Giám đốc điều hành LS Cable & System Asia Lee Sang-ho (bên trái) và Chủ tịch PTSC Lê Mạnh Cường (bên phải) trao Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh cáp ngầm biển. Ảnh: LSCV

Liên quan đến truyền tải điện xuyên biên giới, mới đây (ngày 12/10), PTSC và LS Cable&Systems Asia vừa có thông báo về việc ký kết biên bản ghi nhớ để hợp tác kinh doanh cáp ngầm biển tại Việt Nam và các nước ASEAN. Sự hợp tác này được hai bên kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dự án kết nối lưới điện khác trong tương lai, vốn đang có nhu cầu lớn ở các nước trong khu vực Đông Nam Á.

PTSC là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao của Việt Nam. Doanh nghiệp đã làm chủ và trực tiếp thực hiện gần như toàn bộ các công đoạn của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi.

Ngoài ra, PTSC đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi với các hợp đồng cung cấp chân đế móng, trạm biến áp… cho các dự án điện gió ngoài khơi của các đối tác ở nước ngoài.

Hiện tại, PTSC cũng là doanh nghiệp duy nhất của Petrovietnam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và năng lực triển khai đầu tư và phát triển các dự án năng lượng gió ngoài khơi.

Ngày 29/8/2023 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, Liên danh PTSC (Việt Nam) và Sembcorp (Singapore) đã được trao giấy phép khảo sát và ý định thư để triển khai các công tác liên quan đến việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.

Ngọc Linh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246