SẢN LƯỢNG NHIỆT ĐIỆN PHỤC HỒI MẠNH, SẼ TIẾP TỤC ĐƯỢC HUY ĐỘNG Ở MỨC CAO

SẢN LƯỢNG NHIỆT ĐIỆN PHỤC HỒI MẠNH, SẼ TIẾP TỤC ĐƯỢC HUY ĐỘNG Ở MỨC CAO
16/09/2023 09:01 AM 282 Lượt xem

Với việc đưa vào hoạt động trở lại Tổ máy S1 - Nhiệt điện Vũng Áng kể từ giữa tháng 8 vừa qua, sản lượng nhiệt điện của PV Power được dự báo sẽ tăng mạnh mẽ trở lại và tiếp tục được huy động ở mức cao trong thời gian tới.


Sản lượng nhiệt điện sẽ tiếp tục được huy động ở mức cao

Theo cập nhật mới nhất của Vietcombank Securities (VCBS), sản lượng nhiệt điện của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã cổ phiếu POW – sàn HoSE) sẽ được tiếp tục huy động ở mức cao khi El Nino đã quay trở lại và được dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2024.


Thay đổi mực nước các hồ thủy điện trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022. (Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, VCBS)

Lượng nước về các hồ thủy điện tại khu vực có các nhà máy nhiệt điện của PV Power như Bắc Trung Bộ và Nam Bộ đều đang ở mức thấp so với mức trung bình nhiều năm và thậm chí mực nước một số đã về dưới mực nước chết trong giai đoạn cao điểm mùa khô vừa qua.

Đáng chú ý, mực nước tại các hồ thủy điện tại khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Bộ có mức giảm tương đối mạnh so với các khu vực khác trên cả nước. Chu kỳ El Nino bình quân thường kéo dài khoảng từ 10-12 tháng, do đó các nhà máy nhiệt điện của PV Power được kỳ vọng sẽ được phân bổ sản lượng cao hơn, bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện hiện đang chiếm hơn 90% tổng sản lượng của PV Power.


Cơ cấu sản lượng điện từ các nhà máy điện thuộc PV Power. (Nguồn: PV Power, VCBS)

Bên cạnh đó, vào ngày 12/8/2023, Tổ máy S1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng đã hoàn thành khắc phục sự cố và đã chính thức hòa lưới điện quốc gia trở lại. Sự hoạt động trở lại của tổ máy S1 sẽ có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng sản lượng điện của PV Power. Trước thời điểm xảy ra sự cố, nhà máy này đóng góp 35% - 38% tổng sản lượng điện của PV Power hàng năm trong giai đoạn 2020 - 2021. VCBS hiện dự báo sản lượng điện của Nhiệt điện Vũng Áng trong năm 2023 sẽ tăng 50,5% so với năm 2022 và tăng thêm 30% trong năm 2024.


Dự báo sản lượng điện của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và tỷ trọng của nhà máy này trong tổng sản lượng của PV Power. (Nguồn: PV Power, VCBS)

Liên quan đến sự cố của Tổ máy S1, PV Power có thể nhận được thêm 150 tỷ đồng tiền đền bù từ bảo hiểm gián đoạn sản xuất kinh doanh, theo VCBS. Trong năm 2021, PV Power đã đạt được thỏa thuận với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) với số tiền 15 triệu USD liên quan đến bồi thường gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh (8 triệu USD) và hỗ trợ thiệt hại vật chất (7 triệu USD).

Hiện tại, PV Power đang làm việc với PVI về các nguyên nhân và các điều kiện loại trừ của bảo hiểm, do đây là tổn thất lớn nên cần nhiều thời gian để làm việc với các bên giám định độc lập về các thỏa thuận tiếp theo. Trong quý 1/2023, PV Power đã nhận được khoản thanh toán 149 tỷ đồng và hiện đang yêu cầu thanh toán đợt thứ 2. Hiện tại, công tác khắc phục sự cố đã hoàn tất và PV Power được kỳ vọng sẽ có đủ số liệu để chốt được giá trị của khoản bảo hiểm trên.

Diễn biến giá than, khí thế giới có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của PV Power

Tuy nhiên, VCBS lưu ý các nhà đầu tư cần theo dõi kỹ diễn biến giá than và giá khí, nguyên liệu đầu vào của các nhà máy nhiệt điện. Giá than và giá khí thế giới được kỳ vọng giảm xuống sẽ giúp các nhà máy nhiệt điện của PV Power chào giá bán điện tốt hơn và cải thiện biên lợi nhuận trên thị trường điện.

Cụ thể, đối với nguồn than đầu vào, 80% tổng lượng than cho Nhiệt điện Vũng Áng sẽ do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cung cấp và 20% còn lại do PV Power tự thu xếp. Do cần phải sử dụng than trộn nên xu hướng hạ nhiệt của giá than toàn cầu sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của nhà máy đối với phần sản lượng trên thị trường điện.

Sản lượng điện hợp đồng của nhà máy Vũng Áng thường chiếm từ 85%-90% tổng sản lượng hàng năm, do đó nếu giá than trộn duy trì ở mức cao như giai đoạn vừa qua, phần sản lượng chào bán trên thị trường điện sẽ bị lỗ do giá thành sản xuất cao hơn giá bán bình quân trên thị trường điện.


Diễn biến giá than nhiệt Newcastle (USD/tấn). (Nguồn: VCBS)

Theo dự báo gần nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung than trong năm nay sẽ có sự cải thiện ở một số quốc gia xuất khẩu lớn như Australia (tăng 2%) và Indonesia (tăng 8%), giúp bù đắp sự sụt giảm nguồn cung từ Nga (giảm 2,9%) và Nam Phi (giảm 4,2%). Về phía nhu cầu, EU hiện có mức dự trữ khí đốt khá cao và diễn biến thời tiết ấm hơn dự kiến làm giảm nhu cầu sử dụng khí đốt và cũng làm giảm nhu cầu đối với loại năng lượng thay thế là than đá.

Tuy nhiên, nhu cầu than cung cấp cho sản xuất điện từ Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ ở mức tương đối cao, theo VCBS. Do đó, giá than thế giới có thể vẫn chưa thể sớm quay trở lại mức nền thấp trước đây do nguồn cung vẫn chưa thực sự cải thiện mạnh mẽ và nhu cầu than trong năm 2023 và 2024 được dự báo vẫn sẽ ở mức tương đương năm 2022.


Diễn biến giá khí đầu vào của các nhà máy điện (USD/MMBtu). (Nguồn: Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Tổng Công ty Phát điện 3, VCBS)

Đối với giá khí tự nhiên trên thị trường quốc tế, mặc dù giá khí có mức giảm tương đối so với cùng kỳ năm trước nhưng đang có xu hướng tăng nhẹ trong các tháng gần đây theo đà tăng của giá dầu thô. Với mức giá khí thế giới như hiện nay, trong trường hợp các nhà máy nhiệt điện khí của PV Power được phân bổ sản lượng điện hợp đồng thấp có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, theo VCBS.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 15/9, cổ phiếu POW đạt 12.750 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu POW đã tăng gần 17%.

Duy Quang

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246