NHỮNG DỰ ÁN ĐIỆN TÁI TẠO KHÔNG THUỘC DIỆN ƯU TIÊN SẼ ĐƯỢC THỰC HIỆN THẾ NÀO?

NHỮNG DỰ ÁN ĐIỆN TÁI TẠO KHÔNG THUỘC DIỆN ƯU TIÊN SẼ ĐƯỢC THỰC HIỆN THẾ NÀO?
22/05/2023 07:36 AM 312 Lượt xem

Để có cơ sở thực hiện các dự án không phải diện ưu tiên, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt.


Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 18/5, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho biết theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định 37 hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, danh mục của dự án quan trọng và ưu tiên của ngành điện được quy định trong quy hoạch.

Vì vậy, trong Quyết định 500 đã có danh mục dự án quan trọng ưu tiên phát triển; trong đó có những dự án nhiệt điện than phát triển trong thời gian tới, dự án khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu, các dự án thuỷ điện vừa và lớn, dự án lưới điện từ 200kV trở lên. Danh mục này là cơ sở pháp lý để thực hiện quy hoạch.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Ảnh: H.Mĩ)

Tuy nhiên, định hướng của Việt Nam trong thời gian tới cũng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện phân tán với quy mô công suất nhỏ. Theo luật, những dự án như vậy chưa được quy định trong quyết định phê duyệt theo Luật Quy hoạch của Chính phủ. 

Do đó, bước tiếp theo, để có cơ sở thực hiện các dự án không phải diện ưu tiên, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt. Ngoài những nội dung được quy định trong Luật Quy hoạch thì Bộ sẽ có tính toán và xác định cụ thể các dự án không phải dự án ưu tiên trong quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách hoàn thiện quy hoạch, như hoàn thiện Luật điện lực sửa đổi, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Trước đó, 15/5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2023, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII).

Ông Dũng nhận định đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển điện lực của Việt Nam thời gian tới. Quy hoạch thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển cũng như phương án phát triển nguồn điện, lưới điện Việt Nam sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 cũng như các giải pháp thực hiện quy hoạch đó.

Theo quy hoạch điện VIII, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh từ nay đến năm 2030. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30 - 39,2% năm 2030. Con số này sẽ tiếp tục được nâng lên tới 67,5 - 71,5% đến năm 2050. 

Ngoài ra, ngành điện sẽ phát triển các nguồn điện từ năng lượng tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ cho xuất khẩu, với mục tiêu năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu  điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW. 

Theo đó, để thực hiện việc gia tăng tỷ trọng điện tái tạo, theo kế hoạch, ngành điện sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải toả công suất của lưới điện, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tự sản xuất tự tiêu.

Mục tiêu đến năm 2030, 50% các toà nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bằng các chính sách đột phá. Ước tính công suất các nguồn điện loại hình này tăng thêm 2.600 MW từ nay đến năm 2030.  

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lương mới (hydro, amoniac xanh,…), phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt 5.000 - 10.000 MW.

Theo: VietnambiZ

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246