NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐIỆN GIÓ, ĐIỆN MẶT TRỜI BÁO LỔ HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG

NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐIỆN GIÓ, ĐIỆN MẶT TRỜI BÁO LỔ HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG
04/10/2023 07:23 AM 214 Lượt xem

Một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo báo lỗ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, có đơn vị là chủ đầu tư của nhà máy điện gió công suất lớn nhất cả nước.


Triển vọng của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo nằm ở chính sách giá - Ảnh: Website Trung Nam

Bức tranh màu xám 
Công ty cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 nửa đầu năm nay lỗ 390 tỉ đồng. Trong năm 2022, công ty này cũng báo lỗ 858 tỉ đồng, còn năm 2021 vẫn có lãi.

Ở thời điểm cuối tháng 6-2023, Trung Nam Đắk Lắk 1 có vốn chủ sở hữu 2.552 tỉ đồng. Hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 3,74 lần, tương đương hơn 9.500 tỉ đồng.

"Ôm" lượng lớn trái phiếu, song đáng chú ý, công ty này từng thông báo chậm thanh toán với lý do "nguồn thu tiền điện về chậm hơn kế hoạch".

Trung Nam Đắk Lắk 1 - thành viên Trungnam Group là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam quy mô 600ha, công suất lớn nhất cả nước.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP BB Power Holdings cũng báo lỗ lớn với 376 tỉ đồng nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ còn lãi hơn 18 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này là chủ đầu tư một loạt dự án như nhà máy điện gió, điện mặt trời như Đầm Trà Ổ, Gio Thành 1 và 2, Phan Lâm 2, Mỹ Sơn 1 và 2...

Cũng không khả quan, Công ty cổ phần đầu tư năng lượng Nam Phương vừa thông báo lợi nhuận sau thuế âm 205 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 104 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính cơ bản doanh nghiệp này hé lộ, Nam Phương phải "gánh" khoản lỗ 372 tỉ đồng năm 2022, trong khi năm 2021 lãi 1,6 tỉ đồng.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thời điểm cuối tháng 6-2023 của Nam Phương ở mức 10,04 lần. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm chủ yếu với 1.647 tỉ đồng.

Một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo khác dù không lỗ quá lớn nhưng kéo dài tình trạng này mấy năm liền.

Như Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam Việt báo lỗ 19 tỉ đồng nửa đầu năm 2023. Mạch thua lỗ kéo dài từ năm 2021 với âm 43 tỉ đồng, sang năm 2022 âm 34 tỉ đồng.

Công ty cổ phần điện mặt trời VKT - Hòa An cũng cho biết lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp âm 9,9 tỉ đồng niên độ báo cáo từ 1-7-2022 đến 30-6-2023, cao hơn mức lỗ 2,2 tỉ đồng năm trước.

Tính đến tháng 6-2023, vốn chủ sở hữu của VKT - Hòa An hơn 209 tỉ đồng, giảm nhẹ so với kỳ trước. Dư nợ trái phiếu hơn 380 tỉ đồng, có xu hướng giảm so với năm trước.

Tỉ suất sinh lời giảm vì đâu?
Hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn từ 21% - 29% so với cơ chế giá FIT.

Trong một báo cáo phân tích về ngành điện, ông Nguyễn Hà Đức Tùng - chuyên gia VNDirect - đánh giá khung giá mới là tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng sau thời gian bị đình trệ khi giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) hết hạn.

Tuy nhiên ông Tùng lưu ý, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả. Sau khi tiến hành đánh giá hiệu quả tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) của các dự án năng lượng tái tạo trong điều kiện vận hành bình thường, chuyên gia VNDirect cho biết mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể IRR.

Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, trong khi đó, IRR của điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8% và 7,9% từ mức hơn 12% theo giá FIT cũ.

"Doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Những doanh nghiệp có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế trong giai đoạn này", ông Tùng nhấn mạnh.

Bình Khánh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246