NHẬT BẢN PHỤ THUỘC VÀO NĂNG LƯỢNG TRUNG ĐÔNG NHIỀU ĐẾN MỨC NÀO?

NHẬT BẢN PHỤ THUỘC VÀO NĂNG LƯỢNG TRUNG ĐÔNG NHIỀU ĐẾN MỨC NÀO?
02/11/2023 07:38 AM 167 Lượt xem

Xung đột giữa Israel - Hamas đã làm gia tăng mối lo ngại ở Nhật Bản, quốc gia ít tài nguyên phải phụ thuộc tới 95% vào nguồn cung dầu khí ở Trung Đông và một số năng lượng từ Nga.

Nguồn dầu thô tập trung

Nhật Bản, nước mua dầu lớn thứ tư thế giới, nhập khẩu 95% dầu thô từ Trung Đông, mức độ tập trung tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây và là duy nhất trong số các nước nhập khẩu dầu lớn.


Ảnh minh họa: RT.

Trong số 2,75 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) mà Nhật Bản nhập khẩu trong tháng 8, Saudi Arabie chiếm 1,14 triệu thùng/ngày và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (1,12 triệu thùng/ngày) là những nhà cung cấp lớn nhất, trong đó Kuwait chiếm 200.000 thùng/ngày.

Mỹ tuy là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng là nhà cung cấp nhỏ cho Nhật Bản, giao 42.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Vào thời điểm Ả Rập cấm vận dầu mỏ năm 1973, Nhật Bản nhập khẩu 77% lượng dầu từ các nước vùng Vịnh. Sự kiện đó đã gây ra lạm phát trong nước và sụt giảm sản xuất hàng hóa.

Sự phụ thuộc vào dầu thô Trung Đông tăng lên sau khi các nhà máy lọc dầu chủ chốt của Nhật Bản ngừng nhập khẩu dầu của Nga ngay sau khi sự kiện xung đột ở Ukraine nổ ra, mặc dù một số nhà máy lọc dầu vẫn nhập khẩu dầu của Nga không liên tục cho đến tháng 2 năm 2023.

Trước chiến tranh Ukraine, Nhật Bản đã nhập khẩu khoảng 100.000 thùng/ngày từ Nga - tương đương 4% nhu cầu của nước này.

Nhật Bản là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, được sử dụng để sản xuất điện và cung cấp khí đốt cho thành phố, đồng thời danh mục cung ứng của nước này cân bằng hơn.

Khoảng 40% trong số 5,7 triệu tấn LNG được Nhật Bản nhập khẩu trong tháng 8 đến từ Australia, trong khi 12% đến từ ba quốc gia: Qatar, Oman và UAE.

Lựa chọn thay thế của Nhật Bản là gì?

Nhật Bản có rất ít lựa chọn để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông, ít nhất là đối với dầu thô.

Họ có thể tìm kiếm thêm nguồn cung từ Mỹ hoặc xin phép G7 để mua dầu thô của Nga trên mức giá trần 60 USD do nhóm này đặt ra sau cuộc chiến Nga – Ukraine.

Nguồn cung cấp dầu cho Nhật Bản từ dự án Sakhalin-2 của Nga hiện được miễn hạn mức.

Theo dữ liệu sơ bộ về nhập khẩu dầu thô do Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản công bố ngày 28/2, Nhật nhận được 747.706 thùng dầu thô trong tháng 1 từ dự án dầu khí Sakhalin-2 ở Viễn Đông, Nga. Việc giao hàng được thực hiện thông qua công ty Taiyo Oil của Nhật Bản.

Ngoài ra, quốc gia này cũng có thể tìm cách mua dầu trên thị trường giao ngay, mặc dù nguồn cung sẵn có sẽ thắt chặt mạnh đối với tất cả những người mua như vậy nếu các chuyến hàng từ Trung Đông bị gián đoạn.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (Meti), trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn ngắn hạn, quốc gia này có thể khai thác nguồn dự trữ khổng lồ, đạt tổng cộng 480 triệu thùng vào cuối tháng 8, tương đương 236 ngày.

Dữ liệu Meti cho thấy tồn kho LNG do các công ty điện lực lớn của Nhật Bản nắm giữ, một chỉ số chính về mức tồn kho, ở mức 2,23 triệu tấn tính đến ngày 22/10, cao hơn mức trung bình 5 năm là 2,01 triệu tấn vào cuối tháng 10.

Giảm nhu cầu

Đối với khí đốt tự nhiên, Nhật Bản đã giảm nhập khẩu khi khởi động lại các nhà máy hạt nhân đã đóng cửa sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Nhật Bản đã khởi động lại 12 lò phản ứng hạt nhân - một số trong số đó đang được bảo trì theo kế hoạch - với tổng công suất gần 12 gigawatt, trong số 33 lò phản ứng mà Nhật Bản đang xem xét khởi động lại. Mỗi gigawatt điện hạt nhân tương đương với một triệu tấn LNG mỗi năm.

Nhật Bản gần đây cũng đã giảm nhập khẩu LNG bằng cách bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.

Nhìn chung việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba, đang giảm dần.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu xăng dầu của Nhật Bản giảm xuống 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2021 từ 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2010 và dự kiến sẽ giảm thêm xuống 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2030, do dân số nước này giảm và nền kinh tế chuyển sang phát thải thấp hơn.

Nhật Bản có kế hoạch cắt giảm mức sử dụng LNG trong ngành điện xuống 20% vào năm 2030, từ mức 37% vào năm 2019, nhưng đặt mục tiêu tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu mà nước này coi là nguồn năng lượng “chuyển tiếp”.

Lê Na (Theo HSNW)

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246