NHÀ MÁY GẦN 1.900 TỶ ĐỒNG THIẾU NƯỚC THẢI ĐỂ XỬ LÝ

NHÀ MÁY GẦN 1.900 TỶ ĐỒNG THIẾU NƯỚC THẢI ĐỂ XỬ LÝ
30/07/2023 07:33 AM 293 Lượt xem

TP HCMXử lý 131.000 m3 nước thải mỗi ngày, song nhà máy Tham Lương - Bến Cát, quận 12, vốn đầu tư 1.870 tỷ đồng, mới đạt khoảng 10% công suất do thiếu cống thu gom.

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát rộng hơn 2,3 ha, khởi công năm 2015 với tổng mức đầu tư 1.870 tỷ đồng. Tháng 7/2017, công trình hoàn thành giai đoạn một, khả năng xử lý 131.000 m3 nước thải mỗi ngày cho lưu vực rộng hơn 2 ha, gồm quận Gò Vấp và một phần quận 12, Bình Thạnh, nơi có khoảng 700.000 dân. Thông qua xử lý nước, nhà máy cũng giúp giảm ô nhiễm kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật, Sài Gòn.


Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát nằm bên sông Vàm Thuật, quận 12. Ảnh: Tư liệu

Nhà máy được triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền làm nhà đầu tư. Đây cũng là dự án đầu tiên ở thành phố thuộc lĩnh vực môi trường áp dụng hình thức trên. Nhà đầu tư dùng nhiều công nghệ hiện đại, sử dụng pin năng lượng mặt trời, xử lý mùi hôi nên có thể xây dựng sát bên các khu dân cư.

Được đầu tư hiện đại nhưng suốt 7 năm qua, nhà máy luôn thiếu nước thải để xử lý do chưa hoàn thiện hệ thống cống thu gom. Hiện, công suất vận hành ở nơi này đạt 10%, tương đương 13.000-15.000 m3 mỗi ngày.

Năm 2018 TP HCM ký hợp đồng giao nhà đầu tư quản lý, vận hành và duy tu nhà máy trong 5 năm, hoặc cho đến khi đủ nước thải để vận hành 33% công suất. Tuy nhiên, tỷ lệ này đến nay chưa đạt nên nhà đầu tư tiếp tục vận hành, bảo trì, kinh phí do thành phố trả.

Lý giải nhà máy chưa thể chạy hết công suất, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, cho biết song song quá trình triển khai dự án, trước đây thành phố đã tính làm đồng bộ các tuyến cống phục vụ gom nước. Hệ thống thu gom này là một hạng mục của dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).


Bên trong nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, tháng 10/2017. Ảnh: Hạ Giang

Dự án đã tính toán xây các tuyến cống chung (nước mưa, nước thải), cùng 6 giếng tách dòng để đưa nước về xử lý tại nhà máy Tham Lương - Bến Cát. Các tuyến cống dài hơn 46 km, xây ở quận Gò Vấp và phường 13, quận Bình Thạnh... Tuy nhiên khác biệt về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, năm 2017, TP HCM và WB dừng dự án trên. Điều này dẫn đến kế hoạch triển khai các công trình, bao gồm hệ thống thu gom nước thải cho nhà máy dang dở.

Để giải quyết vướng mắc, TP HCM đang lên kế hoạch đầu tư dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1). Dự án có tổng mức đầu tư gần 8.200 tỷ đồng, sử dụng vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn đối ứng trong nước.

Theo quy mô dự án, ngoài hai cống ngăn triều Vàm Thuật và rạch Nước Lên được xây dựng, công trình sẽ đầu tư hơn 80 km hệ thống cống chính, nối đến những nơi đã đô thị hoá cao trong khu vực. Nước thải ở tuyến cống chính sau đó được tách riêng, dẫn về nhà máy Tham Lương - Bến Cát qua hệ thống cống nhỏ hơn được xây dựng. Dự án còn làm nhiều hạng mục khác như hồ điều tiết, cống thoát nước dọc đường...

Tháng 10 năm ngoái, trong tờ trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư, UBND TP HCM đề xuất thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2028. Khi hoàn thành, công trình góp phần chống ngập, thoát nước cho lưu vực rộng gần 4.500 ha thuộc các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, 12 và Bình Tân. Hệ thống cống ngoài đáp ứng công suất 131.000 m3 mỗi ngày ở giai đoạn một nhà máy Tham Lương - Bến Cát, còn đảm bảo vận hành cho giai đoạn hai, khi được nâng lên 250.000 m3.


Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát hồi giữa tháng 2. Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, TP HCM đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, cải tạo các tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé... Tuy nhiên, nước ở nhiều tuyến kênh vẫn ô nhiễm do các nhà máy xử lý chưa được đầu tư đồng bộ.

Hiện, ngoài nhà máy Tham Lương - Bến Cát, địa bàn thành phố còn hai nhà máy khác đã đưa vào hoạt động, gồm: Bình Hưng (công suất 141.000 m3) và Bình Hưng Hoà (30.000 m3), cùng một số trạm nhỏ ở TP Thủ Đức, Bình Chánh. Riêng nhà máy Bình Hưng, thành phố chuẩn bị vận hành giai đoạn hai với công suất được nâng lên 469.000 m3 mỗi ngày.

Trong khi đó, công trình lớn nhất là nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000 m3 mỗi ngày, thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP HCM (giai đoạn 2) triển khai gần 10 năm trước, song chậm tiến độ do nhiều vướng mắc. Theo kế hoạch, nhà máy này vận hành năm 2026, giúp xử lý nước thải của dân cư dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trải dài qua quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, thay vì hiện nay đổ ra sông Sài Gòn, gây ô nhiễm.

Ngoài các công trình trên, TP HCM đang triển khai dự án cải tạo và xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tổng chiều dài gần 32 km. Công trình này dự kiến hoàn thành năm 2025, nhưng theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, khi đó nước kênh vẫn "chưa thể trong xanh" vì phải chờ dự án CRUS1 triển khai, để nước thải không còn đổ thẳng xuống kênh.

Gia Minh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246