NGUỒN ĐIỆN TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM TRƯỚC THÁCH THỨC 'NGON, BỔ NHƯNG KHÔNG RẺ'

NGUỒN ĐIỆN TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM TRƯỚC THÁCH THỨC 'NGON, BỔ NHƯNG KHÔNG RẺ'
25/01/2024 09:29 AM 126 Lượt xem

Thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế. Nếu không tháo gỡ được rào cản giá điện LNG thì các dự án điện khí sẽ rất khó triển khai.

Trong Quy hoạch điện VIII, nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW, chiếm 14,9%.

13 dự án có nguy cơ khó về đích

Theo Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Global Infrastructure Hub), Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới, trong đó năng lượng chiếm gần 45%. Quy mô 22.400 MW điện LNG đòi hỏi vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD, tương đương gần 500 nghìn tỷ đồng.


Lo ngại 13 dự án nhà máy điện khí LNG khó về đích đúng hẹn (Ảnh: minh họa).

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg (5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư).

Trong số đó, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025. Theo tính toán từ thực tế, để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, vấn đề vướng mắc nhất vẫn là các cơ chế chính sách cho LNG vẫn chưa được thống nhất, hoàn thiện, gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là các cơ chế để đưa được nguồn LNG ra thị trường, cung cấp cho các nhà máy điện; đàm phán giá, cước phí, hợp đồng mua bán điện;…

Trong khi đó, Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho rằng giá điện khí chắc chắn sẽ không hề rẻ nên cần sớm hình thành cơ chế giá điện vận hành theo thị trường với chi phí nhiên liệu chuyển cho bên tiêu thụ chi trả, hoặc thông qua việc vận động sử dụng điện tiết kiệm bằng cách đề xuất tăng giá bán lẻ điện trong khi chi phí biên của điện mặt trời, điện gió và các giải pháp pin tích trữ sẽ ngày càng giảm trong dài hạn thì điều này lại không thể xảy ra với LNG và nhiệt điện khí LNG.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu vừa đảm bảo không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện. Rõ ràng, thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế.

Kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù 

Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG. Việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm chưa có cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án. Nếu không tháo gỡ được rào cản giá điện LNG thì các dự án điện khí sẽ rất khó triển khai. Bởi việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hằng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án cũng như mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.

Do chưa có khung giá phát điện của các dự án điện khí LNG, nên cũng chưa biết đàm phán mức bao nhiêu là hợp lý, mức giá LNG thế giới biến động mạnh, có thời điểm lên tới 30 USD/triệu BTU, nên giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế. Các dự báo quốc tế đánh giá sau vài năm nữa giá LNG sẽ ổn định trở lại ở mức 10 - 11 USD/triệu BTU, khi chuyển sang giá điện sẽ ở mức 9 - 10 US Cent/kWh.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo quy hoạch điện VIII, các chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG.

Đồng thời, Chính phủ cần sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để triển khai các khâu nguồn - lưới đồng bộ. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 có 13 nhà máy điện khí LNG được đưa vào vận hành theo mô hình mỗi nhà máy điện một kho cảng nhập LNG. Có ý kiến cho rằng mô hình này dẫn đến không thể tận dụng hết nguồn lực hạ tầng sẵn có, lãng phí tài nguyên cảng biển, khó kết nối tạo thành một hệ thống hạ tầng LNG tổng thể chung.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách như cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG và giải quyết khi có tranh chấp.

Đặc biệt, ngay năm 2024, TS. Vũ Đình Ánh kiến nghị, Quốc hội cần có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí LNG nhằm xóa bỏ những rào cản nêu trên, đảm bảo đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Đồng thời xem xét sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về Quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, làm cơ sở để điều hành giá điện linh hoạt hơn, chu kỳ ngắn hơn và tính được đúng, đủ giá cả các yếu tố đầu vào của giá thành cung cấp điện.

“Tất cả cơ chế chính sách đối với điện khí LNG đều phải tuân theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh, cả các yếu tố đầu vào lẫn yếu tố đầu ra”, ông Ánh nhấn mạnh.

Nhật Linh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246