NĂNG LƯỢNG ĐỊA NHIỆT: CHÂU PHI SẼ VƯỢT CHÂU ÂU NĂM 2030

NĂNG LƯỢNG ĐỊA NHIỆT: CHÂU PHI SẼ VƯỢT CHÂU ÂU NĂM 2030
08/11/2023 05:50 AM 258 Lượt xem

Các chuyên gia đang trông cậy vào năng lượng địa nhiệt ở châu Phi nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu điện tại địa phương trong những thập kỷ tới, nhờ tiềm năng dồi dào mà các quốc gia trên lục địa này được hưởng lợi.


Một cơ sở địa nhiệt ở châu Phi

Một báo cáo phân tích gần đây cho thấy, công suất năng lượng địa nhiệt tại châu Phi sẽ tăng trong những năm tới, vượt qua châu Âu trong năm 2030.

Báo cáo do công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy công bố dự đoán rằng, ngành năng lượng địa nhiệt của châu Phi sẽ thu hút ít nhất 35 tỷ USD đầu tư vào năm 2050, giúp lĩnh vực này khẳng định vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện đang ngày một tăng.

Công suất điện địa nhiệt ở châu Phi

Theo một phân tích về các dự án đã công bố, ngay cả khi công suất điện địa nhiệt của châu Phi không vượt quá 1 GW trong năm 2023, tương đương một nửa công suất của châu Âu, thì tổng công suất lắp đặt trên lục địa châu Phi vẫn sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, đạt khoảng 2 GW.

Tính cả các dự án chưa được công bố để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ, công suất điện địa nhiệt của châu Phi có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2030, lên gần 4 GW.

Theo Daniel Holmedal, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy, sự tăng trưởng công suất dự kiến ​​này có thể đưa lục địa châu Phi từ vị trí thứ sáu về sản xuất điện thông qua năng lượng địa nhiệt vào năm 2023 lên vị trí thứ ba vào năm 2030.

Đặt cược vào Đông Phi

Các nước Đông Phi, đặc biệt là Kenya và Ethiopia, là những ứng cử viên tiềm năng cho việc phát triển năng lượng địa nhiệt ở châu Phi trong những thập kỷ tới.

Lịch sử sản xuất điện từ năng lượng địa nhiệt ở châu Phi bắt đầu từ những năm 1950, với việc Cộng hòa Dân chủ Congo là quốc gia thứ ba trên thế giới xây dựng nhà máy điện mang tên Kiabukwa, được đưa vào vận hành năm 1952.

Rystad Energy dự kiến ​​các khoản đầu tư ​​vào lĩnh vực năng lượng địa nhiệt của châu Phi sẽ đạt ít nhất 35 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2050, do nhu cầu điện ở phía đông châu Phi đang tăng nhanh.

Kenya và Ethiopia là những ứng cử viên sáng giá nhất

Kenya và Ethiopia dẫn đầu về cơ hội tăng trưởng ​​trong lĩnh vực địa nhiệt ở châu Phi trong những năm tới, cùng chiếm 90% tổng công suất dự kiến.

Nhờ vào nguồn tài nguyên địa nhiệt phong phú và nhu cầu đa dạng hóa hệ thống điện của Ethiopia, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào thủy điện, cũng như thực tế là Kenya có chuyên môn kỹ thuật hàng đầu về khai thác địa nhiệt ở phía đông lục địa.

Việc hỗ trợ kỹ thuật đã giúp lĩnh vực địa nhiệt phát triển ở phía đông lục địa suốt nhiều năm qua, vì nó cho phép các công ty địa phương có chuyên môn cao giúp đỡ các nước láng giềng khai thác tiềm năng của họ trong khu vực.

Các công ty của Kenya như Tập đoàn Phát triển Địa nhiệt (GDC) và Công ty Phát điện Kenya (KenGen), đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các nước láng giềng phát triển ngành này.

Anh Thư AFP

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246