MỸ CAM KẾT ĐÓNG CỬA CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN THAN

MỸ CAM KẾT ĐÓNG CỬA CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN THAN
05/12/2023 07:45 AM 143 Lượt xem

Đặc phái viên khí hậu John Kerry đã cam kết tại hội nghị khí hậu COP28 hôm 2/12, Mỹ sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện đốt than, đồng thời tuyên bố nước này sẽ tham gia Liên minh coi than là quá khứ (PPCA).

Thời hạn cho cam kết được cho là vào năm 2035, thời điểm mà chính quyền tổng thống phát triển mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Theo ông Kerry, nhu cầu năng lượng của đất nước sẽ được đáp ứng bằng gió và mặt trời.

Mỹ, quốc gia có số lượng nhà máy nhiệt điện than lớn thứ ba trên Trái đất, đã không xây dựng một nhà máy mới nào trong hơn một thập kỷ và hy vọng sẽ đóng cửa hơn một nửa số nhà máy điện than hiện có trong "vài năm tới", theo thông cáo báo chí của PPCA phát hành vào thứ Bảy.


Một nhà máy điện than ở Arizona, Mỹ. Ảnh: Internet.

Theo báo cáo của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng, Mỹ chỉ sử dụng dưới 20% điện năng từ than, có kế hoạch đóng cửa 173 nhà máy vào năm 2030 và 54 nhà máy khác vào năm 2040.

Ông Kerry ám chỉ rằng tư cách thành viên của Mỹ trong liên minh PPCA sẽ được sử dụng để thúc đẩy năng lượng tái tạo. Ông nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để đẩy nhanh việc loại bỏ than trên toàn thế giới, xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ và cộng đồng kiên cường hơn”.

Cộng hòa Séc, Na Uy, Iceland, Síp và Cộng hòa Dominica cũng đã ký kết tham gia PPCA, nâng số thành viên của liên minh lên hơn 50 quốc gia, mặc dù Síp, Iceland và Na Uy không có nhà máy than và Cộng hòa Dominica chỉ nhận được 10% năng lượng từ loại nhiên liệu này. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc, nước tiêu thụ than lớn thứ ba ở châu Âu, hy vọng sẽ thay thế 50% năng lượng từ việc đốt than vào năm 2033.

Lãnh thổ tranh chấp Kosovo cũng đã gia nhập liên minh. Mặc dù sử dụng 95% điện từ than nhưng họ vẫn cam kết sẽ đáp ứng thời hạn loại bỏ dần vào năm 2050.

Ngoài ra, Pháp cũng đã công bố thành lập Tổ chức vận động chuyển đổi than - tổ chức thúc đẩy quan hệ đối tác với các tập đoàn tư nhân đang tìm cách cắt giảm nguồn tài chính để xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than ở các quốc gia chưa cam kết loại bỏ nhiên liệu than đá.

Theo một đề cương được trình bày trong hội nghị, các cộng đồng trước đây dựa vào than để phát triển kinh tế sẽ được "hỗ trợ" bằng các ưu đãi tài chính để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Điệp Nguyễn (Theo RT)

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246