MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY NGÀNH ĐIỆN KHÍ LNG PHÁT TRIỂN

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY NGÀNH ĐIỆN KHÍ LNG PHÁT TRIỂN
04/12/2023 07:16 AM 192 Lượt xem

Phát triển điện khí LNG còn gặp nhiều vướng mắc do chưa có chính sách giá mua điện, chưa hình thành được chuỗi cung ứng, sử dụng liên hoàn dài hạn từ nhà sản xuất đến khách hàng sử dụng điện lớn.

 Mục tiêu giảm phát thải

Theo mục tiêu quy hoạch điện VIII đến năm 2030 , tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% năm 2020 xuống 20,5%  vào năm 2030 và thay vào đó tỷ trọng công suất nguồn của điện năng lượng tái tạo đã tăng mạnh so các dự thảo trước đó. Với tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030 và mục tiêu Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển điện khí LNG để góp phần tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.


Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển điện khí vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như nguồn cung, Việt Nam chưa tự chủ được, hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu, dẫn đến giá thành cao.

Bên cạnh đó, khung giá phát điện của các dự án điện khí LNG cũng chưa có, nên nhà đầu tư và bên mua điện (EVN) cũng chưa có căn cứ cụ thể để đàm phán.

Về khó khăn này Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường. Chưa nói đến giá LNG thường chiếm tỉ lệ từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu mà không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam. Trong khí đó, “giá khí hóa lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại khi ký các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do EVN phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ là một thách thức” - ông Hùng cho biết.

Chia sẻ về thực trạng các dự án điện một chuyên gia cho biết, hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang lựa chọn nhà đầu tư. Trong số các dự án này, Dự án điện khí Nhơn Trạch 3&4 là dự án trọng điểm quốc gia có công suất 1.500 MW thuộc Quy hoạch điện VII được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Đây là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2024-2025, nhưng dự án này cũng đang gặp khó khăn chưa thể đàm phán được.

Chia sẻ tới báo giới mới đây đại diện PV Power cho biết: Việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa PV Power và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo dài nhiều năm chưa thể đi đến thống nhất, để hoàn thiện và ký kết. Trong đó là vướng mắc trong việc đề xuất được bao tổng sản lượng điện của mua hàng năm (Qc) từ phía PV Power mà đơn vị mua là EVN chưa đồng ý. "Nhưng PV Power sẽ nỗ lực để tháo gỡ khó khăn và đề xuất  các giải pháp hài hòa, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp"- đại diện PV Power nhận định.

Cũng theo đại diện một doanh nghiệp cho biết: Chúng ta cũng chưa có chính sách trong việc được bao tiêu bao nhiêu phần trăm sản lượng của các nhà máy điện khí. Việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm chưa được rõ ràng cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng về hiệu quả của dự án khi hoàn thành.

Đề xuất các giải pháp

Đề xuất những giải pháp tháo gỡ các khó khăn trên, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết:

Một là, chúng ta cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong QH Điện VIII. Đó là, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu Công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Những đối tượng này sẽ góp phần tạo cơ sở quan trọng cam kết tiêu thụ điện (Qc) và khi đó các cam kết trong Hợp đồng mua bán điện sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Đây cũng là chính sách giúp thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG.

Hai là: Sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật BVMT, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan. Trước tiên và quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi. Tiếp đó, cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện.

Ba là: Cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của PVN và EVN. Việc Chính phủ không còn trực tiếp đứng ra bảo lãnh các Hợp đồng mua bán khí và mua bán điện là một quyết sách đúng. Tuy nhiên với khung pháp lý hiện tại PVN và EVN không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế. Do đó, cần phải cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính (liên quan đến quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền) của hai Tập đoàn đã và đang tham gia vào chuỗi các dự án điện khí LNG nói riêng và các chuỗi dự án lớn khác nói chung. Khi đó, nút thắt về bảo lãnh Chính phủ sẽ được tháo gỡ.

Và cuối cùng về giá, nếu muốn có giá LNG tốt thì chúng ta phải có các cam kết dài hạn về hợp đồng mua điện từ phía khách hàng với nhà máy điện. Các nhà đầu tư đầu cuối (tiêu thụ điện khí LNG) ở những nơi đó vẫn tiếp tục đầu tư, và tạo thành một chuỗi giá trị và liên hoàn. “Từ những giải pháp căn bản đó, chúng tôi cho rằng các Cam kết dài hạn, Hợp tác Quốc tế và Thị trường là những điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ để thúc đẩy ngành điện khí LNG ở Việt Nam được phát triển ổn định”- Đại diện Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất.

Phương Thanh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246