MỘT MẶT HÀNG THAY THẾ THAN ĐƯỢC NGƯỜI NHẬT BẢN CỰC ƯA CHUỘNG: CHI GẦN 200 TRIỆU USD ĐỂ NHẬP KHẨU TRONG NỮA ĐẦU NĂM 2023, VIỆT NAM XUẤT KHẨU ĐỨNG THỨ 2 THẾ GIỚI

MỘT MẶT HÀNG THAY THẾ THAN ĐƯỢC NGƯỜI NHẬT BẢN CỰC ƯA CHUỘNG: CHI GẦN 200 TRIỆU USD ĐỂ NHẬP KHẨU TRONG NỮA ĐẦU NĂM 2023, VIỆT NAM XUẤT KHẨU ĐỨNG THỨ 2 THẾ GIỚI
06/09/2023 08:57 AM 319 Lượt xem

Hiện Việt Nam là quốc gia cung ứng mặt hàng này lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.


Trong 7 tháng đầu năm, Nhật Bản nhập của Việt Nam 148.162 tấn than, trị giá hơn 48 triệu USD, giảm 65% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.


Để bù đắp cho phần thiếu hụt của nhiên liệu hóa thạch nói trên, Nhật Bản đã tăng mua nhiên liệu sinh khối của Việt Nam (viên nén, dăm gỗ).

Báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) và Tổ chức Forest Trends cho thấy Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang là hai thị trường nhập khẩu viên nén nhiều nhất của Việt Nam. Lượng và
kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào hai quốc gia trên luôn chiếm gần 100% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam từ tất cả các thị trường trong suốt giai đoạn 2019 đến nay.

Cụ thể nửa đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn viên nén của Việt Nam, trị giá hơn 195 triệu USD, tăng 5,65% về lượng và tăng 28,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Thị phần viên nén Việt Nam chiếm khoảng 45% tổng lượng nhập khẩu viên nén của Nhật Bản, lớn hơn của thị phần 28% của Canada và 21% của Mỹ. Mức giá xuất khẩu sang Nhật hiện gần đạt 153 USD/tấn, giảm khoảng 18% so với mức giá trần ghi nhận nửa năm trước đó.


Cũng theo báo cáo, Nhật Bản cũng nằm trong top 4 thị trường tiêu thụ nhiều dăm gỗ nhất của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dăm gỗ sang Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023 đạt 316,5 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 39% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang thị trường này.

Thông tin từ các doanh nghiệp, hiện nay, mỗi năm Nhật Bản sử dụng khoảng 8 triệu tấn viên nén, trong đó 50 - 60% là viên nén gỗ. Dự kiến đến năm 2030, Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ mỗi năm trên 20 triệu tấn viên nén, trong đó lượng viên nén gỗ sẽ chiếm khoảng 13 - 15 triệu tấn.

Các chuyên gia cho rằng khi cả thế giới chuyển dịch sang sử dụng năng lượng xanh, nhiên liệu sinh học, viên nén, dăm gỗ sẽ là một sự lựa chọn hàng đầu. Nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới dự báo sẽ tăng khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ mức 14 triệu tấn cách đây 6 năm, tính từ năm 2017. Như vậy, Việt Nam càng có nhiều cơ hội khi có lợi thế trong mảng gỗ và chế biến gỗ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng lần lượt là 28 và 34 lần trong hơn 10 năm qua, kể từ năm 2013. Năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu 4,9 triệu tấn viên nén, kim ngạch đạt 0,79 tỷ USD. Trong những tháng đầu năm 2023, lượng xuất khẩu đạt 1,57 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng hơn 256 triệu USD.

Hiện Việt Nam là quốc gia cung ứng viên nén lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Khánh Vy (Nhịp sống thị trường)

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246