LO MẤT CƠ HỘI XUẤT KHẨU ĐIỆN SẠCH

LO MẤT CƠ HỘI XUẤT KHẨU ĐIỆN SẠCH
26/08/2023 06:49 AM 319 Lượt xem

Thủ tướng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cấp phép khảo sát biển cho dự án xuất khẩu điện sang Singapore. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, VN có thể sẽ mất cơ hội xuất khẩu điện sạch vào tay các quốc gia khác.


Dự án điện gió ngoài khơi tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác với đối tác Singapore, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đang xúc tiến các hoạt động đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, giao cho đơn vị thành viên là Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN (PTSC) thực hiện dự án, khảo sát các vùng biển tiềm năng để phục vụ phát triển dự án.

Có nguy cơ đánh mất cơ hội lớn từ điện sạch

Một lãnh đạo PVN cho rằng đây là "cơ hội lớn" mà nếu không kịp thời tận dụng sẽ bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Dẫn thông tin từ Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Singapore (EMA) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), PVN cho hay tính đến tháng 7-2023, EMA đã nhận được hơn 20 đề xuất cung cấp điện sạch cho Singapore từ sáu nước trong khu vực.

Các đề xuất gồm có dự án nhập khẩu thủy điện từ Malaysia, nhập khẩu điện mặt trời từ Úc, nhập khẩu năng lượng tái tạo từ Ấn Độ thông qua tuyến cáp ngầm biển, nhập khẩu điện mặt trời từ Indonesia và nhập điện mặt trời và thủy điện từ Campuchia... Do vậy, theo PVN, nếu không sớm bắt tay vào triển khai dự án, khảo sát biển để xác định tiềm năng, sẽ khó tận dụng được cơ hội.

Chưa kể, dự án nói trên thuộc danh mục quan tâm đặc biệt của Chính phủ Singapore, trong bối cảnh nước này đã cấp phép cho các dự án nhập khẩu điện từ một số nước trong khu vực. Do vậy, để nắm bắt cơ hội này, PVN đã đề xuất Thủ tướng xem xét, đồng ý một số thủ tục liên quan đến liên doanh PTSC - Sembcorp Utilites Pte; cấp phép cho PTSC triển khai khảo sát vùng biển đã đăng ký phục vụ phát triển dự án điện gió ngoài khơi...

Theo một lãnh đạo của PVN, các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi sẽ ưu tiên phân bổ cho các thị trường tiềm năng trong bối cảnh các nước trong khu vực và thế giới đang triển khai nhanh. Tại thị trường trong nước, nhu cầu điện ngày càng tăng cao, tiềm năng điện gió ngoài khơi vô cùng dồi dào, thời gian phát triển dự án dài, nhu cầu vốn lớn (2,5 - 3 tỉ USD/GW). Do đó, việc khảo sát biển phục vụ đầu tư, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đang "cấp thiết hơn bao giờ hết".

Cũng theo vị này, PVN là doanh nghiệp duy nhất ở VN có dữ liệu địa chất đáy biển quốc gia, được thu thập và lưu trữ trong quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí. Các hoạt động khảo sát đáy biển, kỹ thuật vật lý cũng là những hạng mục công việc thường xuyên trong hoạt động dầu khí và nghiên cứu tiền khả thi của dự án điện gió ngoài khơi. Vì vậy, PVN đề xuất Chính phủ giao PTSC triển khai các hoạt động khảo sát biển phục vụ dự án.

Vì phải chờ... cơ chế chính sách

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Vạn Thịnh, chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, cho hay không chỉ PVN mà nhiều nhà đầu tư khác cũng quan tâm đến đầu tư điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo. Do vậy, nhu cầu khảo sát các khu vực biển để làm cơ sở đầu tư là rất lớn. Song vướng mắc lớn nhất đặt ra là cơ chế chính sách về đầu tư, triển khai dự án và cơ chế giá... vẫn chưa hoàn thiện.

"Nhiều vấn đề cần giải quyết như quy hoạch không gian biển, vùng nào dành cho đánh bắt thủy hải sản, vùng nào cho điện gió ngoài khơi, thăm dò khai thác dầu khí, hàng hải..., cần quy hoạch rõ ràng. Nhà đầu tư cũng muốn được phép khảo sát các vị trí nhưng số dự án được cấp phép chưa nhiều. Một số nhà đầu tư bắt đầu thấy nản vì thủ tục quá chậm. Có nhà đầu tư đã rút khỏi VN vì cho rằng chính sách và môi trường đầu tư quá phức tạp" - ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Quốc Thập - chủ tịch Hội Dầu khí VN - cũng cho rằng mục tiêu Quy hoạch điện 8 đặt ra là đến năm 2030 phải đạt từ 5-10 GW năng lượng tái tạo xuất khẩu ra nước ngoài, nên nếu không sớm tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho việc triển khai dự án, rất khó để thành công. Trong đó, khảo sát là công việc đầu tiên phải làm cho một dự án để đánh giá về hiệu quả đầu tư, là cơ sở để nhà đầu tư quyết định có tiếp tục triển khai hay không.

Cũng theo ông Thập, dự án điện gió ngoài khơi có tính chất phức tạp, vốn đầu tư lớn, phải qua nhiều khâu khảo sát xây dựng, nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng báo cáo khả thi mới đến quyết định đầu tư cuối cùng, thu xếp vốn cho dự án. Chưa kể một dự án triển khai hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là giá đầu ra có tính cạnh tranh hay không, nên cần có các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư quyết tâm rót vốn vào lĩnh vực này.

"Khó khăn nhất là cơ chế, chính sách của chúng ta chưa rõ ràng, các quy định chưa đầy đủ nên nhiều dự án điện gió ngoài khơi gặp không ít vướng mắc ngay từ khâu đầu tiên là khảo sát, thử nghiệm. Do vậy, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tạo tiền đề trước mắt cho các nhà đầu tư thực hiện thử nghiệm, khảo sát mới có thể triển khai. Có thể cấp phép cho thực hiện thí điểm ở một số nhà đầu tư, sau đó mở rộng khi có đầy đủ hành lang pháp lý thì mới mong có hiệu quả" - ông Thập kiến nghị.

Phải cắt giảm các thủ tục trong nghiên cứu, khảo sát

Trong văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cấp phép khảo sát biển cho dự án xuất khẩu điện sang Singapore, Thủ tướng giao Bộ TN&MT khẩn trương rà soát, nghiên cứu cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan tới việc chấp thuận các hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển.

Trong đó có đánh giá tiềm năng năng lượng gió và các loại năng lượng tái tạo khác trên biển, bảo đảm thuận lợi cho triển khai thực hiện, đáp ứng các mục tiêu phát triển. Thủ tướng cũng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết liệt, khẩn trương xử lý kiến nghị của PVN và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25-8.

NGỌC AN

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246