LÃNG PHÍ NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO - KỲ CUỐI: GIÁ ĐẮT CUỘC ĐUA HƯỞNG ƯU ĐÃI

LÃNG PHÍ NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO - KỲ CUỐI: GIÁ ĐẮT CUỘC ĐUA HƯỞNG ƯU ĐÃI
13/05/2023 05:55 AM 388 Lượt xem

Dù là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư nhưng với sự phát triển quá nóng của nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian ngắn, bỏ qua việc tuân thủ các quy định pháp luật cùng sự thiếu đồng bộ của chính sách đang để lại nhiều hệ lụy.

Vấn đề phát triển quy hoạch năng lượng tái tạo thời gian qua có nhiều bất cập và không đồng bộ với lưới truyền tải - Ảnh: TỰ TRUNG

Do không được hưởng giá hỗ trợ theo cơ chế giá cố định (giá FIT), vì hoàn tất sau khi cơ chế này hết hiệu lực (năm 2020), hàng loạt dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp đứng trước nguy cơ vỡ trận, thậm chí phá sản khi không có doanh thu do vẫn chưa đàm phán được giá mới. 

Và việc ngành điện siết lại các quy định liên quan đến hồ sơ pháp lý, nhiều chủ dự án có thể sẽ trả giá đắt vì đã bỏ qua nhiều trình tự, thủ tục trong quá trình đầu tư.

Chạy đua làm dự án, ngó lơ trình tự thủ tục
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Somsak Chutanan - cố vấn cho một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực NLTT của Thái Lan, đơn vị đã đầu tư dự án điện gió công suất 130MW tại Bến Tre từ năm 2019 - cho biết đã rất ngạc nhiên với tốc độ phát triển nhanh chóng của NLTT tại Việt Nam. 

Chẳng hạn, chỉ trong một thời gian ngắn đã đưa vào vận hành tới 9.000MW điện mặt trời, một "khối lượng khổng lồ", dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trong thực tế, để được giá FIT, theo quyết định 11 có hiệu lực từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2019 và quyết định 13 áp dụng cho dự án đưa vào vận hành từ tháng 1-2019 đến năm 2020, nhiều nhà đầu tư đã đua nhau làm dự án. 

Hậu quả là ngành điện bị rơi vào tình trạng quá tải hệ thống truyền tải, nhiều dự án đã vận hành có thời điểm vẫn phải bị cắt giảm công suất.

Riêng những dự án lỡ hẹn giá ưu đãi (giá FIT) phải "chôn chân" suốt thời gian dài mà không có doanh thu. 

Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, dù quy hoạch ban đầu chỉ có 850MW được phê duyệt, nhưng cơ quan chức năng đã phê duyệt tổng công suất nguồn mặt trời lên tới hơn 14.700MW, cao gấp hơn 17 lần. Việc phát triển quá nhiều nguồn NLTT ở một số khu vực đã gây nhiều khó khăn cho vận hành hệ thống và quá tải lưới truyền tải, quá tải cục bộ nguồn điện...

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 được Bộ Công thương gửi tới Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng cho biết đến 31-12-2021 đã có tới 16.364MW điện mặt trời, 3.987MW điện gió. 

Tổng công suất lắp đặt nguồn NLTT đã chiếm hơn 27% trong hệ thống, sản lượng điện phát từ nguồn này chiếm 11,6%. Trong đó, nhiều nhà đầu tư triển khai chưa đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng. Việc quản lý của địa phương về đất đai, thủ tục xây dựng, môi trường... chưa theo kịp.

Trong 85 dự án điện gió, điện mặt trời đang đàm phán giá chuyển tiếp do không kịp đi vào vận hành giá FIT, có nhiều dự án vẫn chưa đáp ứng được đủ yêu cầu hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng cũng như các quy định về vận hành, đấu nối. 

Trong khi theo quy định, để đưa vào vận hành một hệ thống nhà máy điện cần phải đáp ứng cả hai yêu cầu trên.

 

Một cán bộ có trách nhiệm trong ngành điện cho biết về nguyên tắc, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu pháp lý về đất đai, đầu tư xây dựng và nghiệm thu công trình với cơ quan chức năng. 

"Tuy vậy, đối với việc đấu nối cho 85 dự án trong diện đàm phán giá chuyển tiếp này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ liên quan đến cả yêu cầu về đầu tư, xây dựng, nghiệm thu công trình đến các tiêu chí kỹ thuật", vị này nói.

Nhiều vi phạm trong quy hoạch, triển khai thực hiện
Kết quả kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển NLTT được Kiểm toán Nhà nước công bố vào năm 2022 đã chỉ ra nhiều bất cập trong quy hoạch và triển khai quy hoạch lĩnh vực này. 

Tại sáu tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Định, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh, cơ quan kiểm toán chỉ rõ việc đưa vào vận hành chỉ riêng điện mặt trời mái nhà đã làm tổng công suất vận hành tăng thêm 20% so với công suất các dự án NLTT nối lưới được quy hoạch cho giai đoạn 2015 - 2021.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc bổ sung riêng lẻ nhiều dự án đã làm vượt công suất quy hoạch 5,73 lần so với phê duyệt. Thậm chí tại một số địa phương, cơ quan chức năng đã phê duyệt bổ sung 66 dự án có tổng công suất 2.044MW vào quy hoạch nhưng đến thời điểm kiểm toán (tháng 5-2022), các dự án này chưa được cấp chủ trương đầu tư. 

Một số dự án được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh như điện mặt trời Bình Hòa (An Giang), điện mặt trời Tuy Phong (Bình Thuận) song chưa có quy hoạch phát triển cho các dự án NLTT.

Tại thông báo kiến nghị kiểm toán ở bốn tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Phú Yên, được gửi Bộ Công thương vào tháng 10-2022, Kiểm toán Nhà nước cho rằng trong quy hoạch, Bộ Công thương phê duyệt một số dự án vượt quy mô công suất hoặc không phù hợp với quy hoạch tỉnh cũng như các quy định khác. 

Đơn cử như Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 vượt quy mô công suất, dự án điện mặt trời Phước Ninh vượt diện tích đất, điện mặt trời Điện lực miền Trung bổ sung vào quy hoạch nhưng quy hoạch điện lực tỉnh không có dự án này.

Đáng chú ý, có không ít dự án NLTT được đưa vào vận hành nhưng chưa có đầy đủ văn bản pháp lý hoặc được chấp thuận nghiệm thu về đầu tư, xây dựng. 

Tại báo cáo vào năm 2022, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra có 44 dự án thi công, vận hành trước khi được bàn giao đất theo quy định, 66 dự án được vận hành nối lưới nhưng khi kiểm toán chưa được cấp có thẩm quyền thông báo kết quả kiểm tra nghiệm thu...

Điển hình nhất là dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam có công suất 450MW tại Ninh Thuận, theo Bộ Công Thương, chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định. 

Dù dự án này đã đi vào vận hành 278MW nhưng trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri ngày 27-4 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bên phối hợp để hoàn thiện hồ sơ dự án phục vụ nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, cũng như xử lý nghiêm vi phạm hành chính trong đầu tư, xây dựng với Công ty TNHH Trung Nam - Thuận Nam là chủ đầu tư dự án.

Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa được vận hành nên phải thuê công nhân bảo trì thiết bị thường xuyên. Trong ảnh: dự án điện gió ở Bình Định - Ảnh: NGuYỄN HIỀN

Bàn giải pháp gỡ vướng các dự án NLTT chuyển tiếp
Hôm nay (12-5), theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan cùng các doanh nghiệp từng có kiến nghị về cơ chế đàm phán giá chuyển tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này.

Trước đó ngày 13-4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu bộ này báo cáo về việc xây dựng và ban hành cơ chế giá chuyển tiếp, kết quả xử lý.

Văn bản cũng nhắc lại chỉ đạo trước đó của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong đó yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương rà soát, xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến xử lý chuyển tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng song chưa được vận hành; kiểm tra giám sát đẩy nhanh việc đàm phán, thỏa thuận giá phát điện giữa các bên...

Khó phát triển bền vững
Là người theo dõi sát sự phát triển của lĩnh vực NLTT nhiều năm qua, PGS.TS Đặng Đình Thống - chuyên gia về năng lượng - cho rằng việc các chủ đầu tư chạy đua đầu tư và sự phát triển quá nóng của NLTT thời gian qua là "bài học đắt giá".

"Chính sách điện mặt trời, điện gió vừa qua chưa thực sự mang tầm chiến lược. Với những dự án điện thường có vốn đầu tư lớn, khấu hao phải mất từ 20 - 30 năm và bị phụ thuộc vốn vay ngân hàng rất nhiều. Tuy vậy, các cơ chế khuyến khích đưa ra chỉ trong thời gian ngắn, thay đổi liên tục và đứt quãng nên khó có thể phát triển bền vững" - ông Thống đánh giá.

Phải tuân thủ yêu cầu pháp luật
PGS.TS Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết trong công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu, giá thành sản xuất NLTT trong thời gian qua.

Việc dự báo không sát, chính sách thay đổi liên tục gây nên tình trạng quy hoạch đã công bố nhưng phải điều chỉnh, sửa đổi liên tục.

Đây cũng là bài học cho nhà đầu tư khi bỏ tiền xây dựng dự án nhưng bỏ qua việc thực hiện nhiều quy định của pháp luật. "Cần phải thận trọng hơn khi đưa ra các phương án đầu tư, nhất là việc kiểm soát cơ chế tài chính.

Đặc biệt nhà đầu tư cần phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo yêu cầu pháp lý để việc triển khai dự án được lành mạnh, hiệu quả hơn, tránh những rủi ro và hệ lụy mà chúng ta đang thấy hiện nay thì việc xử lý sẽ rất khó khăn" - ông Long nêu quan điểm.

Theo: Tuổi trẻ online 

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246