KHÔNG SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHO DỰ ÁN NGUỒN ĐIỆN THEO QUY HOẠCH

KHÔNG SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHO DỰ ÁN NGUỒN ĐIỆN THEO QUY HOẠCH
06/09/2023 08:35 AM 399 Lượt xem

Đến 2030, Việt Nam sẽ cần 134,7 tỷ USD đầu tư cho các dự án nguồn điện và sẽ không sử dụng vốn đầu tư công...
Đó là nội dung trong Tờ trình 6046/TTr-BCT của Bộ Công Thương vừa gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).


Công nhân EVN kiểm tra, sửa chữa điện về đêm bảo cung cấp điện. 
Tờ trình nêu rõ, nội dung phân kỳ vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện giai đoạn 2021 - 2025 là 57,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9 tỷ USD; vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 77,6 tỷ USD trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD. Như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư cho nguồn điện đến năm 2030 là 134,7 tỷ USD. “Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công” - Tờ trình nêu.

Tại tờ trình, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để triển khai có hiệu quả Quy hoạch điện VIII; đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo Quy hoạch đã được duyệt, nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Dự thảo cũng đã được lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan.

Theo Tờ trình, trên cơ sở kế hoạch dự kiến, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện và căn cứ chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương, Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về Năng lượng tái tạo, sớm trình Quốc hội thông qua. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp.


Truyền tải kiểm tra mạng lưới điện
Đồng thời chủ trì, tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, các nhà máy điện than đang trong quá trình triển khai đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thoả thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án.

Đối với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Ngoài ra, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và các vốn đầu tư tư nhân cho phát triển ngành điện đồng bộ, cân đối, bền vững.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo kịp Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện được duyệt nhằm đáp ứng đồng bộ và đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội. Cùng với đó, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường; cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để thực hiện.

Bên cạnh đó, chủ trì, rà soát các văn bản pháp quy về thuế, tài chính, kế toán nhằm đảm bảo thi hành được các cơ chế tài chính, khuyến khích hỗ trợ thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Khắc Kiên

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246