KHÓ KHĂN BỦA VÂY DOANH NGHIỆP ĐIỆN GIÓ, ĐIỆN MẶT TRỜI

KHÓ KHĂN BỦA VÂY DOANH NGHIỆP ĐIỆN GIÓ, ĐIỆN MẶT TRỜI
31/12/2023 06:29 AM 108 Lượt xem

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch và phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời tại Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đây có lẽ là việc khiến dư luận thêm quan tâm tới lĩnh vực điện tái tạo, vốn đã chứng kiến muôn vàn khó khăn bủa vây doanh nghiệp.

Vòng xoáy nợ nần, áp lực đáo hạn trái phiếu

Cách đây chưa lâu, Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông (Agribank) - Chi nhánh Tây Hà Nội đã thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam theo hợp đồng cấp tín dụng năm 2008 và 2014; Hợp đồng cấp bảo lãnh ngày 15/10/2009 và các phụ lục hợp đồng kèm theo.

Theo Agribank, tổng giá trị khoản nợ tính đến hết 30/11/2023 quy đổi là hơn 1.205 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là gần 729 tỷ đồng; dư nợ lãi, lãi quá hạn, lãi chậm trả tạm tính đến là hơn 462 tỷ đồng; và phí bảo lãnh chưa trả gần 14 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là toàn bộ công trình xây dựng Nhà máy Phong điện 1 – Bình Thuận.

Nhà máy phong điện 1 là dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy này đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và do Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án có tổng công suất 30MW với 20 tua-bin điện gió đã hoàn thành, mỗi tua-bin có công suất 1,5MW do hãng Fuhrlaender AG (Đức) cung cấp. Chiều cao của mỗi trụ điện gió là 85 m, đường kính cánh quạt tua-bin là 77 m.


Khó khăn bủa vây doanh nghiệp điện gió điện mặt trời

Thua lỗ triền miên, nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang gánh khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng tại chi nhánh Tây Hồ, Agribank chuẩn bị tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng xanh Tiên Tiến với giá trị ghi sổ khoản nợ tính đến ngày 22/11/2023 là gần 47,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 37,3 tỷ đồng và nợ lãi 10,2 tỷ đồng. Dữ liệu chúng tôi có được cho thấy, khoản nợ này đã rơi vào nợ có khả năng mất vốn.

Theo Agribank, tài sản đảm bảo của khoản nợ là toàn bộ dây chuyền tự động hóa lắp ráp tấm Pin năng lượng mặt trời công suất 250MW/năm và thiết bị phụ trợ đi kèm theo hợp đồng mua bán nhập khẩu giữa Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng xanh Tiên Tiến và Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Ưng Việt Thượng Hải.

Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng xanh Tiên Tiến được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời và có trụ sở tại Hà Nội.

Trước đó, Agribank Chi nhánh Long Biên cũng đã thông báo đấu giá khoản nợ hơn 1.400 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh Đô thị.

Tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại hai thửa đất thuê có diện tích 63.676m2 + 418.686 m2 ở xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Khu đất này đang được Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh Đô thị dùng để xây dựng công trình sản xuất turbine gió.

Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ cũng gồm toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị đồng bộ và các tài sản bảo đảm Nhà máy sản xuất turbine Việt Nam – Giai đoạn 1 hoạt động bình thường và mọi động sản khác được mua, nâng cấp và/hoặc gắn liền hay tọa lạc vĩnh viễn trong thời điểm hiện tại hoặc tương lai.

Các khoản nợ ngân hàng liên tục được mang ra đấu giá đã cho thấy việc của các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực điện tái tạo "sức cùng, lực kiệt". Những không chỉ có các khoản nợ ngân hàng, các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời cũng chịu áp lực lớn từ việc đến hạn thanh toán trái phiếu.

Đơn cử như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Thành Nguyên (Công ty Thành Nguyên) đã có báo cáo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) việc chậm thanh toán lô trái phiếu 500 tỉ đồng phát hành cuối năm 2022.

Tổng số lãi chậm thanh toán lần này hơn 32 tỉ đồng. Chủ tịch HĐTV Công ty Thành Nguyên - cho biết nguồn tiền phải thu/lãi từ các khoản hợp tác bị chậm so với kế hoạch. Do đó, doanh nghiệp đàm phán và được sự đồng thuận từ phía trái chủ nới hạn trả tới cuối tháng 1/2024.  

Công ty cổ phần BCG Energy cũng đã báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lãi hai lô trái phiếu tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, phát hành từ tháng 4-5/2021. Tổng tiền lãi chậm thanh toán khoảng 176 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết đang chuẩn bị phương án đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn mới và dự kiến trả trước ngày 31/12.

Đây là lần thứ sáu trong suốt hai tháng qua, BCG Energy chậm trả lãi trái phiếu. Riêng với lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng, công ty cũng trễ hẹn thanh toán dự kiến ba lần. Hồi cuối tháng 10, BCG Energy hẹn trả lãi vào ngày 1/11. Gần một tuần sau, lịch trả lãi bị dời sang ngày 10/11. Sau đó hai ngày, công ty tiếp tục dời sang 30/11 nhưng vẫn không thực hiện được.


Một nhà máy điện tái tạo của Trung Nam Group.

Trung Nam Group - một doanh nghiệp nổi tiếng khác trong ngành năng lượng tái tạo - nằm nhóm có tần suất báo chậm trả trái phiếu khá dày năm qua. Trên website, Trung Nam Group cho biết doanh nghiệp bắt đầu triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2018.

Đến tháng 10/2021, Trung Nam đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành này. Đi cùng với quy mô đầu tư là sự gia tăng dư nợ trái phiếu cùng áp lực thanh toán.

Hôm 21/11/2023, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thông báo chậm trả tiền lãi gần 107 tỉ đồng cho lô trái phiếu 2.000 tỉ đồng phát hành tháng 5/2021. Thời gian trả được khất đến ngày cuối cùng năm 2023.

Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (một thành viên Trung Nam Group) tháng 11 cũng thông báo nợ hơn 50 tỉ đồng tiền lãi 3 lô trái phiếu với giá trị lưu hành hơn 2.500 tỉ đồng. Lý do theo doanh nghiệp, "nguồn thu tiền điện về chậm hơn kế hoạch".

Trung Nam Đắk Lắk 1 là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam quy mô 600ha, công suất lớn nhất cả nước. Nửa đầu năm nay công ty này lỗ 390 tỉ đồng. Trong năm 2022, công ty này cũng lỗ 858 tỉ đồng, còn năm 2021 vẫn có lãi.

BCG Energy và Trung Nam Đắk Lắk 1 là hai trong số nhiều doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng tái tạo vướng vào vòng xoáy nợ nần thời gian qua. Tính từ tháng 6 đến nay, thị trường ghi nhận 15 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, xin khất nợ, thay đổi kỳ trả lãi và điều chỉnh lãi suất cho hàng chục lô trái phiếu. Phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group.

Theo thống kê, riêng nhóm doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu, đã có 24 đơn vị ghi nhận tổng nợ phải trả hơn nghìn tỷ đồng. Trong đó, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, BB Power Holdings và Điện Gia Lai (GEC) là ba công ty có tổng nợ phải trả vượt 10.000 tỷ đồng. GEC vẫn kinh doanh có lãi trong nửa đầu năm, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 1,86 lần. Nhưng hai doanh nghiệp còn lại lỗ hàng trăm tỷ đồng, hệ số nợ hơn 4,7 lần.

Nhìn chung, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đều có nợ phải trả lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp lên đến 6-7 lần. Gánh nặng tài chính lớn nhưng tình hình kinh doanh đa số đều bết bát. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Không chỉ có các doanh nghiệp kể trên, một số tổ chức phát hành khác cũng có tình trạng chậm thanh toán. Theo tính toán của FiinGroup, tỉ lệ vi phạm nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng ở mức gần 20,08%, tính đến ngày 17/11/2023. Trong đó, với trái phiếu năng lượng tái tạo, tỉ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ ở mức 35,85%.

Con số FiinGroup đưa ra còn chưa tính đến tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được đàm phán lại để giãn hoãn theo quy định của nghị định 08.

Một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khác là BB Power Holdings cũng có dư nợ vượt 11.000 tỉ đồng, tính đến cuối tháng 6/2023. Đây là chủ đầu tư một loạt dự án điện mặt trời như Đầm Trà Ổ, Gio Thành 1, 2 hay Mỹ Sơn 1, 2... Nửa đầu năm 2023, BB Power Holdings báo lỗ lớn với 376 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lãi hơn 18 tỉ đồng.

Trong báo cáo thường niên 2022, Bamboo Capital - một tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - cho biết ngành đòi hỏi chi phí đầu tư trả trước rất lớn, đi kèm với đó là rủi ro cao khi phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Bởi vậy theo doanh nghiệp, việc áp dụng và duy trì một khuôn khổ pháp lý ổn định và mang tính dài hạn là thiết yếu để doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này.

Ngoài ra theo Bamboo Capital, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại vẫn chưa sẵn sàng cho vay hoặc cho vay với lãi suất cao, khiến vốn đầu tư của doanh nghiệp gặp rất nhiều hạn chế.

Những khoản nợ đã phần nào cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp tái tạo. Khó khăn này có lẽ sẽ còn kéo dài vì tình hình kinh doanh của các nhà máy chưa đem đến nhiều tín hiệu lạc quan. Cùng với đó, việc Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố hàng loạt tồn tại ở các nhà máy cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.


Vấn đề nóng của ngành năng lượng tái tạo năm qua xoay quanh câu chuyện về giá.

Vấn đề nóng của ngành năng lượng tái tạo năm qua xoay quanh câu chuyện về giá. Hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn từ 21% - 29% so với cơ chế giá FIT.

Trong một báo cáo phân tích về ngành điện, chuyên gia VNDirect - đánh giá khung giá mới là tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng sau thời gian bị đình trệ khi giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) hết hạn.

Tuy nhiên ông Tùng lưu ý, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả. Sau khi tiến hành đánh giá hiệu quả tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) của các dự án năng lượng tái tạo trong điều kiện vận hành bình thường, chuyên gia VNDirect cho biết mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể IRR.

Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, trong khi đó, IRR của điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8% và 7,9% từ mức hơn 12% theo giá FIT cũ.

Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Những doanh nghiệp có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế trong giai đoạn này.

 Hồng Quang

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246