KẾT LUẬN THANH TRA QUY HOẠCH ĐIỆN VII: DÙ EVN ĐÃ CẢNH BÁO, DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI CỦA 1 TẬP ĐOÀN LỚN TẠI HẠ LONG VẪN ĐƯỢC TRÌNH DUYỆT QUY HOẠCH BỔ SUNG

KẾT LUẬN THANH TRA QUY HOẠCH ĐIỆN VII: DÙ EVN ĐÃ CẢNH BÁO, DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI CỦA 1 TẬP ĐOÀN LỚN TẠI HẠ LONG VẪN ĐƯỢC TRÌNH DUYỆT QUY HOẠCH BỔ SUNG
30/12/2023 10:32 AM 90 Lượt xem

Chủ đầu tư đã thi công dự án trước khi UBND tỉnh cho thuê đất và trước khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất làm muối sang đất xây dựng công trình năng lượng; Thi công dự án trước khi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định Thiết kế kỹ thuật, chưa có ý kiến của Sở Xây dựng về quy hoạch tổng mặt bằng. UBND tỉnh Ninh Thuận đã xử phạt vi phạm hành chính và Chủ đầu tư đã thực hiện nộp phạt.


Trong kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh vừa công bố, Thanh tra Chính phủ chỉ ra những vi phạm, thiếu sót của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng như chủ đầu tư các dự án điện mặt trời ở địa phương này.

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, trình Bộ Công Thương nhưng không được phê duyệt.

Mặc dù không có quy hoạch điện mặt trời, không có danh mục các dự án ĐMT được duyệt, nhưng trong giai đoạn từ khi ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đến thời điểm Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 667/QĐ-BCT ngày 01/3/2018 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung riêng lẻ 15 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh là không thực hiện đúng khoản 8 Điều 4 Thông tư số 43/2013/TT-BCT.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Dự án Nhà máy ĐMT BIM 2, công suất 250 MW, mặc dù EVN đã có ý kiến tổng quy mô công suất ĐMT dự kiến đến năm 2020 tại 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã lên tới gần 5.000 MWp (chưa tính tới công suất từ cụm NMĐMT Thiên Tân 1.000 MWp đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh), nhưng Bộ Công Thương vẫn trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Dự án Nhà máy Điện mặt trời BIM 2 với công suất 250 MWp vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh (cơ quan tham mưu trình với công suất là 250 MW, tương đương 325 MWp), làm tăng công suất so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong việc thẩm định bổ sung các dự án, mặc dù đã có ý kiến tham gia của các cơ quan (ý kiến Bộ KH&ĐT và Cục Điều tiết điện lực có ý kiến đối với Dự án BIM 2; ý kiến của EVN về phương án đấu nối không giải tỏa được công suất của các nhà máy ĐMT, sẽ bị quá tải khi các nguồn điện khác cùng phát cao), nhưng Cục ĐL&NLTT vẫn trình và Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù có nhiều dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt, nhưng khi lập Dự án Nhà máy ĐMT BIM 2 (tháng 03/2018), công suất 250 MW bổ sung Quy hoạch điện lực quốc gia, Công ty tư vấn Điện 4 đã không đưa vào cân đối tổng nguồn, dẫn đến việc tính toán nguồn điện trong khu vực, phương án đấu nối, khả năng truyền tải... gặp nhiều khó khăn trong việc giải tỏa công suất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; trong thẩm định dự án, Cục ĐL&NLTT đã không yêu cầu đơn vị tư vấn hoàn thiện mà vẫn trình Bộ và Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo giới thiệu của BIM Group, dự án Điện mặt trời BIM 2 có diện tích 305 ha, công suất 325 MWh. Đây là dự án lớn nhất trong tổ hợp cụm Nhà máy điện Mặt Trời với tổng đầu tư 7.060 tỷ đồng tại Ninh Thuận của BIM Group, gồm BIM 1, BIM 2, BIM 3. Cụm nhà máy khánh thành tháng 4/2019, là dự án điện mặt trời quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Hơn 1 triệu tấm pin mặt trời sản xuất hơn 665 triệu số điện một năm.


Về phía UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khi Chủ đầu tư dự án không đủ vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, thực tế Chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư dự án hoàn thành; Phê duyệt công suất cao hơn 75 MWp so với đề nghị của Chủ đầu tư, phê duyệt điều chỉnh bổ sung địa điểm thực hiện Dự án tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam cho phần công suất mở rộng 50 MW là không đúng với địa điểm quy hoạch tại Văn bản số 669/TTg-CN ngày 23/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; UBND Tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh diện tích đất, địa điểm và tiến độ thực hiện Dự án tại Văn bản số 529/UBND-KTTH ngày 20/10/2022.

Chủ đầu tư đã thi công dự án trước khi UBND tỉnh cho thuê đất và trước khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất làm muối sang đất xây dựng công trình năng lượng; Thi công dự án trước khi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định Thiết kế kỹ thuật, chưa có ý kiến của Sở Xây dựng về quy hoạch tổng mặt bằng. 

UBND tỉnh Ninh Thuận đã xử phạt vi phạm hành chính và Chủ đầu tư đã thực hiện nộp phạt.

PV (An Ninh Tiền Tệ)

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246