HÀNG LOẠT THỦY ĐIỆN RẦU VÌ KHÔNG ĐƯỢC DÙNG TỐI ĐA CÔNG SUẤT

HÀNG LOẠT THỦY ĐIỆN RẦU VÌ KHÔNG ĐƯỢC DÙNG TỐI ĐA CÔNG SUẤT
04/07/2023 06:41 AM 294 Lượt xem

Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cho rằng Tổng công ty Điện lực miền Trung không cho huy động tối đa công suất gây lãng phí và thất thu.
Từ tháng 3 đến nay, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải, không được Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum đã có đơn tập thể “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành có liên quan.

Nước dồi dào phải tiết giảm, gây lãng phí

Theo ý kiến của các DN, việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy thủy điện. Để tránh bị sa thải, các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế.

Có một số nhà máy phát vượt công suất đã bị PC Kon Tum “tuýt còi”, ngừng huy động công suất phát điện, gây thiệt hại về kinh tế. Sau khi các đơn vị này có giải trình và cam kết vận hành đúng hợp đồng mới cho vận hành trở lại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Xuân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đức Bảo, cho biết đơn vị có hai nhà máy, gồm thủy điện Đắk Trưa 1 (công suất 4,8 MW) và Đắk Trưa 2 (công suất 4 MW). Hiện tại phía điện lực không cho phát vượt, chỉ cho phép phát theo giấy phép khai thác và năng lượng điện trung bình năm.

Theo ông Xuân, từ tháng 7 đến tháng 10-2023 là thời điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum mưa nhiều nhất, lượng mưa đổ về rất lớn. Nếu áp dụng theo hợp đồng đã ký kết với Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) thì đơn vị không thể tận dụng hết lượng nước mưa này do không thể phát vượt (10% công suất thiết kế nhà máy).

“Đặc điểm thủy điện vừa và nhỏ là không có diện tích lòng hồ hoặc lòng hồ rất nhỏ. Nếu không cho huy động tối đa công suất nhà máy theo cơ chế chi phí tránh được (là chi phí sản xuất 1 kWh của tổ máy phát có chi phí cao nhất trong hệ thống điện quốc gia) thì rất lãng phí tài nguyên nước. Vì nước về bao nhiêu đều chảy qua tràn, qua cửa xả bấy nhiêu chứ không giữ được” - ông Xuân nói.

Tương tự, Nhà máy thủy điện Đắk Ru 1 của Công ty Thủy điện Đắk Glei (xã Đắk Glei, huyện Đắk Glei) có công suất 7 MW cũng lâm vào cảnh khó khăn do không thể huy động tối đa công suất nhà máy.

Ông Trần Văn Trưởng, Trưởng phòng Sản xuất Công ty Thủy điện Đắk Glei, bày tỏ: “Thủy điện chúng tôi không có lòng hồ nên không thể giữ nước, điều tiết nguồn nước vào mùa mưa, nếu không cho phát vượt thì nguồn nước này sẽ lãng phí. Trong khi theo thiết kế của nhà máy thì được phép vượt 20% công suất. Những năm trước không hề có quy định này”.

Theo ý kiến của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tại Thông tư 40/2014 của Bộ Công Thương, trừ trường hợp xảy ra quá tải hoặc ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện, cho phép nhà máy điện được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được tự điều khiển phát công suất tác dụng. Theo đó, việc phát vượt công suất đã được tính toán trong báo cáo kinh tế khả thi của dự án, đã được các cấp quản lý nhà nước thẩm định phê duyệt, mức phát vượt 10%-20% so với công suất thiết kế.

Các DN vừa và nhỏ gửi kiến nghị EVN CPC xem xét, trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép. Nhất là trong tình trạng bối cảnh thiếu điện như hiện nay.


Nhà máy thủy điện Đắk Trưa. Ảnh: LÊ KIẾN

Tổng công ty Điện lực miền Trung nói gì?

Theo cách tính về lượng điện trung bình năm (E0) của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phụ thuộc vào lưu lượng nước đến trung bình nhiều năm. Thực tế có năm mưa nhiều thì có E0 lớn, còn năm mưa ít thì có E0 nhỏ. Theo đó, để đảm bảo tránh lãng phí tài nguyên nước, các DN đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước cho phép phát lớn hơn E0 được phê duyệt đối với các năm có lưu lượng nước đến nhiều.

Liên quan đến việc “tiết giảm công suất tối đa” nói trên, ông Đỗ Văn Quyết, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Minh Phát (chủ đầu tư thủy điện Đắk Psi), nói thẳng: “Hiện nay các tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Nam cũng không áp dụng việc sa thải các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát vượt công suất, các nhà máy vẫn được huy động công suất bình thường. Không hiểu vì sao EVN CPC lại không cho phát vượt, việc này gây lãng phí nguồn nước và ảnh hưởng đến các DN”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc PC Kon Tum, cho biết Điện lực Kon Tum chỉ có trách nhiệm giám sát các nhà máy thủy điện thực hiện theo hợp đồng với EVN CPC. Đơn vị nào vi phạm phát vượt công suất thì cảnh báo, nếu tiếp tục phát vượt thì sẽ ngừng huy động công suất điện theo quy định. Còn các vấn đề khác là do EVN CPC quyết định.

PC Kon Tum cũng khẳng định: “Phía điện lực không hề yêu cầu tiết giảm công suất so với hợp đồng, mà tự các nhà máy vận hành giảm để tránh vượt công suất so với quy định. Nếu công suất tối đa 6 MW thì các đơn vị tự giảm xuống dưới 6 MW, nếu vượt quá là vi phạm hợp đồng”.

Chiều 30-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện EVN CPC cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn kiến nghị của tập thể các DN và đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo đó, EVN CPC kiến nghị trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được được phát tối đa công suất theo khả năng thiết kế và nguồn nước cho phép.

Đồng thời, các nhà máy được phép phát lớn hơn E0 được phê duyệt đối với các năm có lượng nước đến nhiều. Phần giá trị phát dư sẽ được tính toán để nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vào đầu năm tài chính sau.•

Thủy điện đóng góp 1.200 tỉ đồng cho ngân sách địa phương

Theo ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, việc không huy động công suất tối đa của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ là lãng phí tài nguyên nước. Đồng thời gây thất thu ngân sách. Năm 2022, các nhà máy thủy điện trên địa bàn đóng góp 1.200 tỉ đồng cho ngân sách địa phương, riêng các thủy điện vừa và nhỏ là 330 tỉ đồng.

LÊ KIẾN

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246