GIÁ ĐIỆN LẦN ĐIỀU CHỈNH TỚI SẼ GÁNH THÊM CÁC KHOẢN LỖ?

GIÁ ĐIỆN LẦN ĐIỀU CHỈNH TỚI SẼ GÁNH THÊM CÁC KHOẢN LỖ?
30/08/2023 09:18 AM 266 Lượt xem

Giá bán lẻ điện được phép tính thêm các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm chênh lệch tỉ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá điện...


Nhân viên Công ty Điện lực Phú Thọ, TP.HCM kiểm tra và bảo trì mạng lưới điện trung thế trên đường Bình Thới, quận 11, nhằm đảm bảo nguồn điện sinh hoạt ổn định cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH
Đây là một trong những điểm mới trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân tại dự thảo quyết định thay thế quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng.

Được tính thêm các khoản lỗ vào giá điện?
Cũng theo dự thảo, các nội dung liên quan đến thẩm quyền và thời gian điều chỉnh tăng/giảm giá bán lẻ điện bình quân vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, nếu giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được quyết định. Mức tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ do Bộ Công Thương quyết. Nếu tăng từ 10% trở lên, phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Điểm mới nhất của dự thảo lần này là việc sửa đổi phương pháp lập giá bán điện bình quân, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân gắn với thực tế sản xuất kinh doanh điện. Theo đó, công thức tính giá bán lẻ điện cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, bao gồm chênh lệch tỉ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung các quy định cụ thể về tài liệu, phương thức gửi hồ sơ phương án giá điện hằng năm; định nghĩa về bên mua điện, bên bán điện, hiệu chỉnh công thức tính giá điện để phản ánh việc mua bán điện trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh; trường hợp giảm giá điện. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ có vai trò rõ hơn trong việc kiểm tra, rà soát phương án giá điện, kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm của EVN.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc sửa đổi quyết định 24 cần được nhìn nhận trong tổng thể quá trình thực thi văn bản này và đặc thù của ngành điện. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân đang được tính tổng thể ở tất cả các khâu gồm phát điện, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ.

Mặc dù ở khâu phát điện đã có nhiều thành phần tham gia, nhưng khâu truyền tải, phân phối và quản lý ngành cũng như giá điện nói chung đều được hạch toán bởi EVN. Do đó, ông Long cho rằng với một ngành đang tồn tại vị trí độc quyền, Nhà nước cần phải định giá bán. Đặc biệt khi EVN đang tồn tại nhiều khoản lỗ và có nguy cơ mất cân đối tài chính do việc dồn nén nhiều khoản chi phí được "treo" lại trong thời gian qua.

Đừng tăng gánh nặng cho người dân
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Văn Bình (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng nếu thực hiện theo quyết định 24, ngành điện đã tiến một bước lớn đến thị trường điện theo hướng sát thị trường hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường điện chưa hoàn chỉnh, còn nhiều bất cập trong các quy định liên quan, chưa đảm bảo tính đồng bộ để cho thị trường vận hành, cần xây dựng cơ chế phù hợp hơn trong cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Ông Bình cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi trong việc thực hiện đúng quy định được đưa ra tại dự thảo sửa đổi quyết định 24.

"Liệu Bộ Công Thương và Chính phủ có dũng cảm thực hiện đúng theo tinh thần quyết định 24, cứ ba tháng/lần rà soát giá điện. Nếu giá tăng từ 3% trở lên sẽ cho phép EVN được tự điều chỉnh tăng giá?" - ông Bình nói và cho rằng không để ngành điện bị "dồn lỗ" quá lớn, phải bù lỗ và tạo gánh nặng về giá điện cho người dân.

Trong khi đó, theo ông Ngô Trí Long, việc phân chia thẩm quyền điều chỉnh giá điện tăng hay giảm là không phù hợp, không đảm bảo giá điện được điều chỉnh theo diễn biến thị trường. Đặc biệt, việc trao cho EVN thẩm quyền điều chỉnh tăng giá từ mức 3 - 5% có thể sẽ tạo ra tình trạng "lạm quyền". Mặt khác, quy định này có thể chỉ có giá trị "trên giấy" bởi EVN không được tự quyết theo thẩm quyền mà đều phải xin ý kiến các cấp.

Vì vậy, theo ông Long, cần tuân thủ nguyên tắc thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Trong đó, Nhà nước phải định giá tăng/giảm ở mọi biên độ đối với những ngành độc quyền.

"Trong cơ chế thị trường không bao giờ một mặt hàng đang có sự độc quyền mà khúc này thì do doanh nghiệp quyết, khúc kia lại do Nhà nước quyết định giá. Đã là độc quyền thì Nhà nước cần định giá, trên cơ sở nguyên tắc tính đúng, tính đủ và kịp thời" - ông Long nêu quan điểm.

Trong thực tế, theo các chuyên gia, giá điện đã không được điều chỉnh 6 tháng/lần như quy định hiện nay mà thậm chí kéo dài tới gần 4 năm. Mỗi lần điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng đều phải cho ý kiến. Do vậy, nếu sửa đổi ở mức 3 tháng điều chỉnh giá/lần, liệu có thực hiện được hay không, nhất là khi công thức tính giá bổ sung cho phép được tính thêm các khoản lỗ và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác?

"Điều này có thể gây nên tình trạng hoặc lạm quyền tăng giá, hoặc "dồn nén" quá mức khiến giá điện có thể tăng sốc. Do đó, với thị trường chưa vận hành đầy đủ, chưa đảm bảo tính cạnh tranh và đặc biệt là với mặt hàng nhạy cảm như điện, Nhà nước cần có vai trò quản lý giá, tránh để đưa ra quyết định nhưng không đảm bảo tính khả thi, nghiêm minh của quy định", một chuyên gia khuyến cáo.

Cơ sở nào để tính cả khoản lỗ vào giá điện?
Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, giá nhiên liệu đã tăng cao từ giữa quý 1-2022, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, giá bán lẻ điện được giữ ổn định nên kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2022 của EVN bị lỗ hơn 26.000 tỉ đồng, ảnh hưởng cân đối tài chính của EVN.

Quyết định 24 cũng chưa quy định cụ thể việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch, gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của quá khứ. Việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bảo toàn và phát triển vốn nhà nước của EVN nếu hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài. Ngoài ra, trong góp ý dự thảo sửa đổi quyết định 24, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét có cơ chế để EVN có khả năng xử lý được khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện qua các năm.

Trước đó, khi đánh giá kết quả kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện thời điểm năm 2019, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng công thức tính giá bán lẻ điện bình quân tại quyết định 24 chưa có yếu tố gắn với giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện, chưa tính đến các khoản giảm trừ khi tính giá bán điện.

Ngọc An

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246