GẦN 10 NĂM MỚI CẢI TIẾN ĐƯỢC MỘT BẬC GIÁ ĐIỆN, ĐẾN BAO GIỜ MỚI CÓ ĐIỆN 1 GIÁ

GẦN 10 NĂM MỚI CẢI TIẾN ĐƯỢC MỘT BẬC GIÁ ĐIỆN, ĐẾN BAO GIỜ MỚI CÓ ĐIỆN 1 GIÁ
28/11/2023 08:20 AM 115 Lượt xem

Chuyên gia năng lượng cho rằng, biểu giá điện hiện nay được xây dựng từ năm 2014. Nghĩa là gần 10 năm qua, chúng ta mới giảm được 1 bậc, điều này là rất chậm trễ. Ngoài ra, theo biểu giá mới, bất cập bù chéo lẫn nhau của giá điện vẫn còn nguyên.


Bộ Công Thương vừa công bố biểu giá điện mới. Ảnh: EVN
Giá điện giảm còn 5 bậc có lợi gì?

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên.

Giá điện các bậc thang 1-5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng một kWh (mức điều chỉnh từ ngày 9.11). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612 đồng một kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.


Bộ Công Thương đề xuất cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn 5 bậc. Ảnh: Chụp màn hình
Trao đổi với Lao Động, GS Trần Đình Long - nguyên Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam cho rằng, việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang, rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc là tốt.

Bởi về nguyên tắc, số bậc thang càng ít thì càng tốt cho người tiêu dùng, giúp người sử dụng điện tiến gần hơn việc trả tiền đúng nhu cầu sử dụng của mình.

Theo lộ trình được đưa ra, đến năm 2024, chúng ta bắt đầu thực hiện giá bán lẻ điện cạnh tranh và tiến dần đến 1 giá duy nhất, nên việc giảm bậc phải được áp dụng sớm hơn. Song, biểu giá bán lẻ điện hiện nay được xây dựng từ năm 2014. Gần 10 năm qua, chúng ta mới giảm được 1 bậc, điều này là rất chậm trễ. Như vậy, con đường đến với điện một giá còn rất xa xôi.

Bất cập bù chéo vẫn còn

TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, theo biểu giá mới, bất cập bù chéo lẫn nhau của giá điện vẫn còn nguyên.

Cụ thể, những người tiêu dùng nhiều điện phải bù cho những người tiêu dùng ít. Việc bù trừ như vậy không đúng theo quy luật thị trường.


TS Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương. Ảnh: Bình Nguyễn
"Khi người dân sử dụng điện theo thị trường điện lực, người dùng nhiều phải trả nhiều, người dùng ít trả ít; không có chuyện khách hàng đã dùng nhiều (phải trả tiền nhiều), lại còn phải chịu giá điện ở bậc cao (lên tới 3.457 Kwh cho giá điện bậc 5). Không ai có quyền lấy của người này bù cho người khác, nên việc bù chéo là không hợp lệ và ít hiệu quả", ông nói.

Ông Lâm cho rằng, cách tính giá điện hiện nay của Bộ Công Thương không đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 bậc) cho khách hàng (gọi là T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (gọi là T1).

Từ khi áp dụng biểu giá điện 6 bậc, cũng chưa có cuộc thanh tra đúng nghĩa nào công bố các số liệu trên cho toàn dân biết, xem giá điện theo bậc thang có hợp lý. Vì vậy, ông Lâm mong muốn phải minh bạch các số liệu, thanh tra cần vào cuộc làm rõ.

Nói về biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương cho biết, ưu điểm của biểu giá mới là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện.

Biểu giá mới ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Theo Bộ Công Thương với biểu giá mới, hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700 kWh (chiếm 97,85% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả không tăng hoặc giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 701 kWh/tháng (chiếm 2,15%) phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.

Anh Tuấn

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246