EVN VẪN LỖ KHỦNG SAU TĂNG GIÁ ĐIỆN: CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC NÓI GÌ?

EVN VẪN LỖ KHỦNG SAU TĂNG GIÁ ĐIỆN: CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC NÓI GÌ?
26/09/2023 07:24 AM 292 Lượt xem

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho rằng, giá nhiên liệu cho sản xuất điện vẫn giữ ở mức cao so với các năm trước đó, là nguyên nhân khiến EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Giá nhiên liệu vẫn neo cao

Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Số lỗ 6 tháng năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng.

Năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.

Như vậy, tính chung số lỗ năm 2022 và 8 tháng năm 2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.

Nhiều người đặt vấn đề, giá điện đã tăng từ hồi tháng 5; Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cũng đã "hạ nhiệt", vì sao ngành điện vẫn lỗ?


Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.

Giải thích về điều này, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, diễn biến giá nhiên liệu cho sản xuất điện vẫn còn nhiều bất lợi cho ngành điện. Dù đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn giữ giá ở mức cao so với các năm trước đó.

Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 210 USD/tấn, thấp hơn bình quân năm 2022 (khoảng 360USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019-2021 (khoảng 92 USD/tấn).

Giá dầu HSFO trên thế giới dùng để xác định giá khí thị trường 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 423 USD/tấn, thấp hơn năm 2022 (522 USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019-2021 (khoảng 344 USD/tấn).

Việc giá nhiên liệu giữ ở mức cao, ông Hòa khẳng định, tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí mua điện của năm 2023.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua, thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng cao, đồng thời thủy văn gặp nhiều bất lợi, nên sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện thấp, dẫn đến hệ thống phải huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện (than, khí và dầu).

Nói thêm về tình hình cung cấp than, ông Hòa cho biết, từ năm 2019 việc khai thác, cung cấp than sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, nên các nhà cung cấp phải nhập khẩu than về để phối trộn với than sản xuất trong nước (than pha trộn để bán cho sản xuất điện).
Giá than nhập khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 210U SD/tấn, vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019-2021 (khoảng 92 USD/tấn).

Tỷ trọng than nhập khẩu trong than trộn khoảng 40-60%, do đó, giá than đầu vào cho cung ứng điện vẫn tăng theo giá than nhập khẩu dù than sản xuất trong nước cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện giữ nguyên từ tháng 3/2019 đến nay.

TKV cũng đã có đề nghị tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện.

Hiện, loại than này được TKV cung cấp cho số ít các nhà máy điện như: Các Nhà máy điện BOT (Mông Dương 2, Vĩnh Tân 1, Hải Dương); các nhà máy của TKV Power (Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê).

Các nhà máy còn lại (công suất chiếm phần lớn của EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, EVNGENCO, nhà đầu tư IPP - dự án điện độc lập) lại dùng than pha trộn.

Sẽ tăng giá điện để thu hồi chi phí chưa được tính đủ?
Ông Hòa lo lắng, nếu TKV tăng giá than trong nước trong thời gian tới, chi phí mua điện của EVN từ các nguồn điện than sẽ còn tăng lên.

Thực tế, thời gian qua và hiện nay EVN đã làm nhiều giải pháp để giảm lỗ, như tiết giảm tối đa các chi phí, lùi thời gian thanh toán nợ, giãn các hoạt động chưa cần thiết. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đánh giá, những giải pháp nêu trên chỉ mang tính chất hỗ trợ.

Do đó, theo ông Hòa, để đảm bảo cân bằng được tài chính thì quan trọng nhất vẫn là giảm giá nhiên liệu bán cho điện từ các nhà cung cấp trong nước, huy động tối ưu các nguồn phát điện, điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ vào giá điện…

Năm 2022, giá thành sản xuất kinh doanh điện được kiểm toán tăng 9,27% nhưng chỉ được điều chỉnh giá tăng 3% (ngày 4/5), chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, đây là nguyên nhân sinh ra thâm hụt dòng tiền trong sản xuất kinh doanh của EVN.

Ông Thỏa nhận định, bản chất dòng tiền âm của EVN không phải là lỗ trong sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện làm ăn yếu kém gây ra, mà là do Nhà nước chủ động điều tiết giá phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì thế, Nhà nước phải có cơ chế xử lý cho doanh nghiệp, không để thâm hụt dòng tiền. Nhưng phải tính toán để đảm bảo không ảnh hưởng đến người dân.

Hồng Hạnh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246