EVN SẮP HẾT TIỀN, GIÁ ĐIỆN CHẮC CHẮN TĂNG

EVN SẮP HẾT TIỀN, GIÁ ĐIỆN CHẮC CHẮN TĂNG
03/04/2023 08:22 AM 704 Lượt xem

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo mức lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022, nếu giá điện không tăng, việc cân đối tài chính của EVN sẽ rất khó khăn.
Trả lời về việc khi nào sẽ tăng giá điện, và giá điện sẽ tăng như thế nào, phía Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện phải căn cứ vào yếu tố đầu vào, tình hình tài chính của EVN, điều hành kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát.
EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022
Chiều 31/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, Đoàn kiểm tra (gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã hoàn tất việc kiểm tra giá thành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với bức tranh tài chính khá xấu sau hơn 4 năm chưa được điều chỉnh giá điện.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tổng chi phí khâu phát điện năm 2022 của EVN là 412.243 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh.
So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đồng/kWh.
Ông Hoà nêu, khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN chủ yếu đến từ nguồn điện. Đại diện Cục Điều tiết điện lực bổ sung rằng, năm 2021, tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 265,75 tỷ đồng.

"EVN "than" lỗ 94.000 tỷ 2 năm, thiệt 197 đồng mỗi kWh điện bán ra"

Năm 2022, tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng. Tổng khoản tiền bù giá cho các xã huyện, đảo trong hai năm 2021-2022 lên tới hơn 653,2 tỷ đồng.


Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN cho thấy, tập đoàn bị lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng.

Cũng theo kết quả kiểm tra, còn nhiều khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trong đó, chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2022 lên tới hơn 14.723 tỷ đồng.
Giá sản xuất điện tăng mạnh
Số liệu của đoàn kiểm tra cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng.
Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Kết quả kiểm tra chi phí cho thấy, tổng chi phí khâu phát điện năm 2021 là 339.387,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.506,40 đồng/kWh.

"EVN đề xuất tăng giá điện, Bộ trưởng Diên nói thẳng"

Cục Điều tiết Điện lực thông tin, tính đến hết năm 2021, riêng phần chênh lệch tỷ giá các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện lên tới hơn 11.283 tỷ đồng.
Trong đó, khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,8 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,9 tỷ đồng.
Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2021 khoảng 3.702,257 tỷ đồng.

Nếu không tăng giá điện, EVN có thể bị mất cân đối tài chính
Trước đó, báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương vào tháng 1/2023 nêu, trên cơ sở số liệu về số dư tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, dự kiến các nguồn thu, nguồn chi, đến hết tháng 5/2023 công ty mẹ - EVN sẽ hết tiền - không còn tiền trong tài khoản.
Cũng theo EVN, dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2023, công ty mẹ EVN sẽ thiếu hụt tiền thanh toán là 3.730 tỷ đồng và đến tháng 12/2023 sẽ thiếu hụt 28.206 tỷ đồng.
Khi chi phí không đủ bù đắp, EVN lo ngại sẽ gây nên tình trạng mất cân đối dòng tiền, nhiều hệ lụỵ nghiêm trọng.
Tại họp báo hôm nay, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do chi phí đầu vào liên tục tăng cao trong cả năm 2022, tỷ giá biến động mạnh và hơn 4 năm liên tiếp không được điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Theo lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam, với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỷ kWh, và mỗi kWh điện bán ra đang bị lỗ 197 đồng/kWh, EVN sẽ bị lỗ tổng cộng ước tính hơn 64.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ dự kiến do tỷ giá lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.

"Giá khí "ăn theo" giá dầu: EVN lo hết tiền mua điện"

Các số liệu thực tế cũng cho thấy, do bán điện thấp hơn giá thành, chỉ trong 2 tháng đầu năm EVN bị lỗ thêm 11.200 tỷ đồng khiến áp lực tài chính của EVN ngày càng tăng.
Lãnh đạo EVN khẳng định, hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường, tuy nhiên giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN.
Cùng với đó, tập đoàn sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.
Cụ thể theo tính toán của EVN trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh thì dự kiến đến tháng 6/2023 Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỷ đồng và đến 12/2023 thiếu hụt 27.779 tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh, với khoản lỗ của năm 2022 và ước tính của năm 2023, nếu không được điều chỉnh giá điện, việc lỗ tới 90.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 sẽ khiến tập đoàn mất tới 44,8% vốn Nhà nước tại EVN).
Tại họp báo, Bộ Công Thương làm rõ, việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN.

Bao giờ tăng giá điện?
Tại họp báo, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với khoản lỗ lớn như vậy, việc cân đối tài chính của Tập đoàn rất khó khăn.
EVN cũng đã có đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ nhằm điều chỉnh giá điện, do năm 2022, chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao.


Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định, bản thân EVN cũng đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thực hiện cắt giảm các khoản… tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn tối ưu hệ thống vận hành.

"Tại sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN báo lỗ?"

Đối với việc tăng giá điện, ông Trần Việt Hòa cho hay, theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ căn cứ vào thông số đầu vào, nếu thay đổi làm giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện sẽ được điều chỉnh.
Trong thời gian qua, EVN đã xây dựng những phương án để điều chỉnh giá điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã rà soát, kiểm tra các phương án của EVN và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Công Thương khi nào tăng giá điện, thông tin giá điện bình quân sẽ tăng trên 10% có đúng hay không.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nói, việc điều chỉnh giá điện năm 2023 căn cứ vào nhiều yếu tố như yếu tố đầu vào, tình hình tài chính của EVN, vĩ mô, lạm phát.


Đại diện EVN cho rằng, nếu các yếu tố đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá điện sẽ được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm sẽ được điều chỉnh giảm.
Theo quy định hiện hành, nếu giá điện được tính toán tăng dưới 5%, thẩm quyền sẽ thuộc EVN, 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, 10% trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Tại họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.
Trước đó, như Sputnik thông tin, Chính phủ đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương tăng 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương tăng 28,2%).

Theo: Sputnik

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246