DÙNG VỐN ODA NHẬT BẢN, ĐIỆN KHÍ TỶ ĐÔ GẶP VƯỚNG

DÙNG VỐN ODA NHẬT BẢN, ĐIỆN KHÍ TỶ ĐÔ GẶP VƯỚNG
12/05/2023 05:52 AM 430 Lượt xem

"Nếu vướng mắc này không được giải quyết dứt điểm có thể dẫn tới nguy cơ chuỗi dự án không thể triển khai được", Bộ Công Thương lưu ý về dự án nhiệt điện khí Ô Môn III.
Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo loạt vướng mắc liên quan dự án nhiệt điện Ô Môn III dùng vốn ODA Nhật Bản.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là trên 17.600 tỷ đồng, vốn đối ứng là hơn 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các cơ quan, vẫn còn ý kiến khác nhau giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) về đề xuất áp dụng cơ chế cho vay lại vốn ODA.

Ủy ban Quản lý vốn đề xuất thực hiện theo phương án cho vay lại và không chịu rủi ro tín dụng, trong khi Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương án cho vay lại và chịu toàn bộ rủi ro tín dụng.


Chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam. Ảnh minh họa: Lương Bằng

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn và EVN, hiện không có ngân hàng thương mại trong nước nào có đủ hạn mức tín dụng để cho vay lại chịu rủi ro tín dụng toàn bộ khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản cho dự án này (dự kiến khoảng 17.670 tỷ đồng). Nếu sử dụng hai ngân hàng thương mại trong nước trở lên tham gia cho vay lại thì không phù hợp với quy trình giải ngân của phía Nhật Bản. 

"Do vướng mắc trên chưa được tháo gỡ nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án nhà máy điện Ô Môn III sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản", Bộ Công Thương báo cáo.

Bộ Công Thương lưu ý: Nếu vướng mắc này không được giải quyết dứt điểm có thể dẫn tới nguy cơ chuỗi dự án không thể triển khai được. 

Bộ Công Thương đánh giá: Với mục tiêu giảm phát thải carbon, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050, thì các nhà máy điện khí đóng vai trò quan trọng, do đây là loại hình trung gian trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Việc triển khai Chuỗi dự án khí - điện Lô B phù hợp với xu thế trên, đồng thời tận dụng được hết nguồn khí khai thác trong nước. 

Theo Bộ này, đề xuất của EVN đưa dự án nhà máy điện Ô Môn III vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn ODA không chịu rủi ro tín dụng là có cơ sở. 

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương dự án Ô Môn III là dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn ODA mà cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý nợ công năm 2017 và Nghị định số 97/2018/NĐ-CP. 

Bộ Công Thương đề nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án NMĐ Ô Môn III sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, hoàn thành trong tháng 5/2023. 

Dự án Nhà máy điện Ô Môn III là 1 trong 9 dự án nguồn điện của EVN được Thường trực Chính phủ chỉ đạo phải giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm cung ứng đến cho đất nước.

Chuỗi dự án khí - điện Lô B (bao gồm Dự án Phát triển mỏ khí Lô B, Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, các Dự án Ô Môn I, II, III, IV) có quy mô lớn với sản lượng khai thác khí hàng năm dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho 4 nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến 3.810 MW khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia.

Theo báo cáo của PVN và EVN, tính tổng thể cả Chuỗi dự án khí - điện Lô B mang lại nguồn thu cho Chính phủ lên tới 30 tỷ USD, lợi nhuận của các bên tham gia chuỗi dự án (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước) là 19 tỷ USD. 

Theo: Lương Bằng (Vietnamnet)

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246