ĐÔNG NAM Á HƯỚNG TỚI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐỂ ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG

ĐÔNG NAM Á HƯỚNG TỚI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐỂ ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG
19/10/2023 12:21 PM 252 Lượt xem

Đông Nam Á là nơi có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Khi nhu cầu năng lượng tăng lên, khu vực này đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ an ninh năng lượng của mình.


Nhu cầu sự dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: NRDC

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong hai thập kỷ qua - xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2030 theo các chính sách hiện tại.

Nghiên cứu từ Trung tâm Năng lượng ASEAN cho thấy nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng của khu vực, chiếm khoảng 83% vào năm 2020 so với tỷ trọng 14,2% của năng lượng tái tạo trong cùng kỳ.

Trung tâm cho biết đến năm 2050, dầu, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ chiếm 88% tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp.

Ông Zulfikar Yurnaidi, giám đốc mô hình hóa năng lượng và hoạch định chính sách tại Trung tâm Năng lượng ASEAN, cho biết, sự phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch làm tăng tính dễ bị tổn thương của khu vực trước những cú sốc về giá năng lượng và hạn chế về nguồn cung.

Đại dịch COVID-19 hay vụ xung đột ở Ukraine đã đẩy giá tăng cao trong những năm gần đây, với giá dầu chuẩn đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 3 năm ngoái. Mới tuần trước, giá dầu tăng gần 6% khi bùng phát xung đột ở Trung Đông.

“Năng lực tài chính của chúng tôi khác với châu Âu. Chúng tôi không thể trả giá cao hơn mọi người để có được nguồn cung cấp khí đốt cho riêng mình”, ông Yurnaidi chia sẻ.

Chuyên gia David Thoo, nhà phân tích năng lượng và năng lượng carbon thấp tại BMI Fitch Solutions, cho biết, lĩnh vực năng lượng khí đốt và than đá của Đông Nam Á đã mở rộng khi năng lượng phát triển, ngày càng khiến các thị trường này phải hứng chịu giá nhiên liệu hóa thạch biến động trên thị trường quốc tế.

Trung tâm Năng lượng ASEAN ước tính nếu các quốc gia Đông Nam Á không thực hiện những phát hiện quan trọng hoặc bổ sung vào cơ sở hạ tầng sản xuất hiện có, khu vực này sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào năm 2025 và than đá vào năm 2039. Điều đó sẽ làm tăng giá nhiên liệu hóa thạch và gây thêm căng thẳng cho người tiêu dùng.

Ông Yurnaidi cho biết, để ngăn chặn điều này, khu vực phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng để tăng trưởng kinh tế và an ninh.

Thoo cho biết, hầu hết, nếu không phải tất cả, các thị trường Đông Nam Á đã có những bước tiến trong việc công bố các mục tiêu năng lượng tái tạo và xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng carbon thấp.

Ông Yurnaidi chia sẻ: “Nhìn chung, các chính sách và xu hướng của khu vực cho thấy các nước đang mong muốn chuyển đổi sang năng lượng sạch”.

Malaysia

Theo Bộ Kinh tế, Malaysia đã đưa ra Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia vào tháng 7, nhằm tăng cường công suất năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

Bộ này cho biết, lộ trình đã xác định 10 dự án hàng đầu, bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy quang điện mặt trời công suất 1 gigawatt – lớn nhất Đông Nam Á – có thể trực tiếp biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng.

Theo các nhà chức trách, năng lượng mặt trời vẫn là phân khúc đáng khích lệ nhất trong bối cảnh năng lượng tái tạo của Malaysia kể từ năm 2011 có tốc độ tăng trưởng gộp công suất lắp đặt hàng năm là 48%.

Các kế hoạch phát triển khác bao gồm một khu năng lượng tái tạo tích hợp, 5 công viên năng lượng mặt trời tập trung quy mô lớn và 3 nhà máy sản xuất hydro xanh. Bộ kinh tế cho biết các dự án này sẽ tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo kỹ thuật ước tính 290 gigawatt của Malaysia để tạo ra một hệ thống năng lượng ít carbon, linh hoạt hơn.

Việt Nam

Vào tháng 5, Việt Nam đã công bố Kế hoạch phát triển điện lực số 8, cam kết tăng cường năng lượng gió và khí đốt đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than. Chính phủ Việt Nam dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời sẽ chiếm ít nhất 31% nhu cầu năng lượng quốc gia vào năm 2030.

Theo kế hoạch, tất cả các nhà máy than phải được chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế hoặc ngừng hoạt động vào năm 2050. Mặc dù than sẽ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong thời gian tới, ước tính chiếm khoảng 20% tổng nguồn năng lượng của cả nước vào năm 2030, nhưng tỷ lệ này sẽ giảm dần trong thời gian tới.

Singapore

Kế hoạch xanh 2023 của Singapore cũng nhấn mạnh tương tự đến việc sử dụng năng lượng tái tạo. Bộ Bền vững và Môi trường cho biết mục tiêu tăng cường triển khai năng lượng mặt trời lên công suất ít nhất 2 gigawatt vào năm 2030, đáp ứng khoảng 3% nhu cầu điện dự kiến.

Theo Bộ này, khoảng 95% điện năng của Singapore được tạo ra từ khí đốt tự nhiên, một nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Mặc dù những hạn chế về địa lý của Singapore hạn chế các lựa chọn năng lượng tái tạo, nhưng kế hoạch này sẽ thực hiện các biện pháp như tấm pin mặt trời trên mái nhà cũng như nhập khẩu điện và hydro từ các nước Đông Nam Á khác để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Năm ngoái, Keppel Electric của Singapore đã ký thỏa thuận hai năm với Lào để nhập khẩu tới 100MW thủy điện tái tạo qua Thái Lan và Malaysia. Điều này đánh dấu lần nhập khẩu năng lượng tái tạo đầu tiên của Singapore cũng như thương mại điện xuyên biên giới đa phương đầu tiên có sự tham gia của 4 thành viên ASEAN.

Ông Yurnaidi cho biết: “Rõ ràng là khu vực hiểu rõ vai trò của độ tin cậy và khả năng phục hồi năng lượng trước các cú sốc năng lượng khác nhau”.

Philippines

Ông Thoo của BMI cho biết, các thị trường Đông Nam Á cũng đang tìm cách thu hút các công ty nước ngoài có chuyên môn về năng lượng tái tạo để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của họ.

Ông Thoo nói thêm: “Năng lượng tái tạo ở đây khá kém phát triển so với các thị trường Trung Quốc và phương Tây”.

Theo công ty luật quốc tế Baker McKenzie, vào tháng 11, Philippines đã loại bỏ các yêu cầu về quyền sở hữu của Philippines đối với một số nguồn năng lượng tái tạo, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hoàn toàn các dự án liên quan đến tài nguyên năng lượng mặt trời, gió, thủy điện hoặc đại dương. Trước đây, các công ty nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 40% các dự án năng lượng như vậy.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, quyền sở hữu nước ngoài rất cần thiết trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất gió tái tạo ở Philippines, quốc gia có tiềm năng lắp đặt 21 gigawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2040. Báo cáo chỉ ra rằng con số đó tương đương với khoảng 1/5 nguồn cung cấp điện của nước này.

Báo cáo cho biết Philippines phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, khiến nước này có nguy cơ bị hạn chế về nguồn cung và tăng giá.

Nhưng Ngân hàng Thế giới cho biết các công ty nước ngoài có thể áp dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình, đặc biệt là trong việc giúp các dự án năng lượng tái tạo chuyển từ giai đoạn tiền phát triển sang giai đoạn sau đòi hỏi chi phí cao hơn.

Indonesia

Indonesia cũng đã nới lỏng một số hạn chế về sở hữu nước ngoài để tạo động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ví dụ, hiện nay nước này cho phép 100% sở hữu nước ngoài trong các dự án truyền tải, phân phối điện và sản xuất điện (với công suất trên 1 megawatt).

Ông Yurnaidi cho biết: “Chúng tôi lạc quan rằng sẽ có nhiều khoản đầu tư nước ngoài đổ vào trong vài năm tới, dẫn đến nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn trong khu vực”.

Nhật Linh/ Báo Tin Tức (Theo CNBC)

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246