ĐÒI ĐỀN BÙ TỪ ĐIỆN GIÓ VẪN GẶP KHÓ

ĐÒI ĐỀN BÙ TỪ ĐIỆN GIÓ VẪN GẶP KHÓ
27/09/2023 08:15 AM 235 Lượt xem

Do chưa có quy định bồi thường, hỗ trợ đối với đất đai, tài sản nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió nên kiến nghị của người dân vẫn chưa thể giải quyết
Ban Tiếp công dân tỉnh Gia Lai ngày 26-9 tiếp tục nhận được kiến nghị, phản ánh của một số hộ dân huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai yêu cầu Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pứh, do Công ty CP Đầu tư Phát triển điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư) phải bồi thường, hỗ trợ đối với phần đất đai, tài sản bị cánh quạt điện gió làm ảnh hưởng.

Vướng quy định

Theo ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh, từ khi Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1 được triển khai xây dựng, đã có 93 hộ dân gửi đơn kiến nghị, phản ánh.

Các hộ dân cho rằng tiếng ồn, nước mưa văng theo cánh quạt đã làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi ở bên dưới, giảm giá trị lô đất. Người dân yêu cầu phải được bồi thường, hỗ trợ đối với phần đất, tài sản nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió (300 m tính từ chân cột tháp gió); hỗ trợ di dời nhà cửa, chuồng trại ra khỏi khu vực này.

Theo ông Nguyễn Minh Tứ, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Chư Pứh đã tổ chức 6 buổi gặp gỡ để đối thoại, tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật cho người dân nhằm tạo sự đồng thuận. 

Chủ đầu tư cũng đã nhiều lần làm việc với người dân về mức bồi thường nhưng vẫn không thỏa thuận được mức bồi thường, hỗ trợ. Ban đầu công ty đưa ra mức hỗ trợ tối đa là 10% giá tài sản theo Quyết định số 09-2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai nhưng người dân không thống nhất với mức hỗ trợ này.

"Việc người dân bị ảnh hưởng là có nhưng xem xét các quy định pháp luật hiện hành thì hiện chưa có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất đai và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió" - ông Nguyễn Minh Tứ nói.


Điện gió Ia Le 1 vẫn chưa được vận hành thử nghiệm do vướng đền bù, hỗ trợ cho người dân

Sau đó, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã có kết luận mức hỗ trợ 10% mà công ty đề xuất là chưa thỏa đáng.

Trong lúc chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn, đề nghị công ty phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, đánh giá và tính toán nâng mức hỗ trợ với vật thể kiến trúc và tài sản trên đất; hỗ trợ di dời một số hộ dân sinh sống trong phạm vi hành lang an toàn trụ tháp gió đến nơi ở khác.

Công ty đã thỏa thuận đưa các hộ dân sống dưới chân các cột tháp gió đi nơi khác sinh sống bằng việc hỗ trợ quỹ đất, đền bù 100% giá trị và làm thủ tục về đất đai.

Đến nay, 5/6 hộ dân đang sinh sống trong phạm vi hành lang an toàn đồng ý; còn lại 1 hộ dân yêu cầu công ty mua lại toàn bộ phần đất của gia đình để chuyển đi nơi khác sinh sống.

Tiếp tục chờ
Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, thời gian qua chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Gia Lai đã tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân. 
Chủ đầu tư cũng có cam kết thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi chưa có quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân.

Tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường ngoài làm việc với người dân, chủ đầu tư để tuyên truyền, vận động, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ.

UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quy định hỗ trợ cho các hộ dân nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió. 
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đã báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, kiến nghị liên quan dự án điện gió trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Rcom Den, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết hiện nay một số vướng mắc liên quan việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có văn bản quy định, hướng dẫn trong thời gian tới.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn. 

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung luật, đề nghị Chính phủ giao bộ, ngành hữu quan khẩn trương tham mưu, trình Chính phủ có hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió.

Chính phủ cũng giao bộ, ngành hữu quan nghiên cứu về tác động của cánh quạt tuabin điện gió và tiếng ồn của tuabin để sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng cách an toàn của cột tháp gió nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống và sức khỏe của người dân và bảo đảm an toàn đối với công trình điện gió. 

Chưa được vận hành thử nghiệm

Theo ông Nguyễn Minh Tứ, đến nay Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1 vẫn chưa được vận hành thử nghiệm.

Trước đó ngày 25-5, chủ đầu tư dự án có văn bản gửi chính quyền địa phương về việc sẽ triển khai chạy thử nghiệm 14/28 trụ điện gió thuộc Nhà máy Điện gió Ia Le 1, thời gian chạy thử nghiệm từ 17 giờ ngày 30-5 đến ngày 10-6. UBND huyện Chư Pứh đã có văn bản đề nghị ngừng hoạt động chạy thử nghiệm.

Nguyên nhân do liên quan đến kiến nghị của người dân về việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản nằm trong hành lang an toàn trụ điện gió vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã phớt lờ, vẫn cho chạy thử nghiệm và chỉ dừng lại khi người dân kéo đến khiếu nại, chính quyền địa phương tiếp tục có văn bản yêu cầu tạm dừng.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246