ĐIỆN TÁI TẠO MỎI MÒN CHỜ CƠ CHẾ

ĐIỆN TÁI TẠO MỎI MÒN CHỜ CƠ CHẾ
29/03/2024 08:18 AM 110 Lượt xem

https://nhietdien.vn/gioi-thieuDự án điện năng lượng tái tạo làm xong chưa đàm phán được giá phát điện, trong khi những dự án nguồn điện mới muốn làm cũng chưa có cơ sở...

Dự án chuyển tiếp bế tắc
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hơn một năm qua, vẫn chưa có dự án điện tái tạo chuyển tiếp nào đàm phán được giá phát điện chính thức theo Quyết định 21 (ban hành tháng 1/2023) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Dự án điện gió Lạc Hòa - Sóc Trăng.

Báo cáo từ EVN cho thấy, đến nay, tất cả 85 dự án đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 4.597,86 MW, nhưng 69 dự án (tổng công suất 3.927,41 MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian chờ đàm phán giá chính thức.

Hiện có khoảng 64 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm. Trong đó, 21 nhà máy, hoặc một phần nhà máy với tổng công suất hơn 1.200 MW đã phát điện thương mại lên lưới.

Đại diện nhà đầu tư 2 dự án điện gió ở Sóc Trăng cho biết, sau khi không kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021, dự án đã phải đợi hơn 2 năm để có khung giá điện mới theo Quyết định 21. Song, việc thực hiện đàm phán không dễ dàng.

Theo vị này, giá trần ngưỡng 1.587,12 đồng/kWh để đàm phán cho dự án đang thấp hơn suất đầu tư doanh nghiệp đã bỏ ra, khiến họ bị lỗ. Chưa kể, giá mua tại khung giá mới tính theo Việt Nam đồng, khiến các nhà phát triển dự án năng lượng bị gặp bất lợi khi tỷ giá biến động.

Đáng nói, Thông tư 57 năm 2020 của Bộ Công thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, nhưng các nhà máy điện gió, mặt trời lại không thuộc diện áp dụng thông tư này. Bế tắc, 2 dự án điện gió này đành áp dụng giá tạm và chờ hướng dẫn tiếp từ Bộ Công thương. Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Dự án mới cũng phải chờ
Không chỉ nguồn điện đã làm xong phải chờ cơ chế, những dự án mới muốn bắt tay vào làm cũng chưa đủ cơ sở để thực hiện.

Quy hoạch điện VIII là cơ sở pháp lý căn bản để xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên gần 4 năm mới được ban hành kể từ năm 2019 (ban hành theo Quyết định 500, ngày 15/5/2023).

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tiến độ lập quy hoạch chậm dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 29/2/2024, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tại cuộc họp ngày 20/2/2024.

Theo đó, Thường trực Chính phủ cho rằng, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt song đến nay vẫn chưa ban hành kế hoạch thực hiện là quá chậm. Thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các địa phương, của cơ quan tư vấn lập kế hoạch và của Bộ Công thương.

Rất nhiều dự án điện đang chờ kế hoạch này để bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, giữa Bộ Công thương và các địa phương vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Một chuyên gia năng lượng cho biết, không có kế hoạch thực hiện quy hoạch thì không thể tiến hành đầu tư xây dựng. Việc chậm ban hành kế hoạch làm chậm trễ tất cả các dự án điện lớn có trong tổng sơ đồ điện VIII, đặc biệt là các nguồn điện năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Cũng theo vị chuyên gia, với các dự án năng lượng tái tạo chưa có danh mục cụ thể sẽ không làm gì được. Với điện gió ngoài khơi, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, dự kiến xây dựng 6.000 MW. Nhưng từ khi khảo sát địa điểm đến khi dự án điện gió ngoài khơi vào vận hành cần từ 8-10 năm. Vì vậy, mục tiêu đặt ra không khả thi, khi thời gian chỉ còn lại 6,5 năm.

Trong khi đó, các dự án điện khí LNG hiện cũng chưa có lối ra do gặp khó trong đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn bởi một số cơ chế chính sách liên quan vẫn chưa có. Điều này khiến khó dự án nào có thể đưa vào vận hành trước 2030, ngoại trừ Nhơn Trạch 3&4 dùng vốn nhà nước, trong khi mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII là đạt 29.000 MW đến năm 2030.

Cung ứng điện rất căng thẳng
Với tình trạng hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ: "Nhiều dự án chậm tiến độ, không có khả năng để 2 năm nữa có thêm được các nhà máy. Cùng lắm là dự án nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 đi vào hoạt động. Nhưng nhà máy này vận hành, cần đường truyền tải từ Hà Tĩnh về Nghi Sơn để ra Bắc.

Nếu dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối (Hưng Yên) đã được Thủ tướng yêu cầu đầu tư khẩn cấp có thể đi vào hoạt động thì cũng chỉ thêm được 1.200 MW. Trong khi nhu cầu miền Bắc mỗi năm cần thêm khoảng 2.000 MW".

Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, giai đoạn quy hoạch 2021-2030, cho đến nay (2024) đã đi qua được gần 1/3 quãng đường, nhưng vẫn chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch. Vì vậy, cần có những nỗ lực dứt điểm của các cấp quản lý.

Về điện gió ngoài khơi, cần trình Chính phủ có cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm một vài dự án. Với dự án LNG, do đã có địa điểm quy hoạch cụ thể theo tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chỉ cần sắp xếp thời gian đưa vào theo thứ tự ưu tiên cấp điện cho vùng, miền đang thiếu nguồn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đảm bảo hoàn vốn và lợi nhuận hợp lý với phương châm "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" giữa nhà đầu tư và ngành điện.

Còn với danh sách các dự án năng lượng tái tạo, các tỉnh đưa vào danh sách các dự án có cơ sở pháp lý vững chắc, có tính khả thi cao. Các dự án khác có tiềm năng phát triển có thể sẽ được xem xét kỹ và bổ sung đưa vào kế hoạch được điều chỉnh sau.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, những vướng mắc về dự án điện chuyển tiếp liên quan đến quy định phương pháp xác định giá phát điện đang được Cục sửa đổi và sẽ sớm ban hành trong tháng 3.

Về việc chậm trễ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính là do trong quá trình thực hiện chưa đủ cơ sở để xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo. Vì so với quy hoạch, số lượng và quy mô dự án năng lượng tái tạo các địa phương đề xuất vượt nhiều lần công suất.

Bên cạnh đó, một số địa phương có ý kiến cần pháp lý hóa công suất tính toán cho địa phương để họ rà soát, đánh giá, lập danh mục. Và nhiều địa phương chậm trễ trong việc đánh giá các dự án theo 9 tiêu chí yêu cầu. Ngoài ra, có tỉnh không cam kết chắc chắn về tình trạng sai phạm, thiếu thông tin về hiệu quả các dự án điện năng lượng tái tạo…

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246