ĐIỆN NGOÀI BẮC LẪN TRONG NAM HÈ 2023: "TÌNH HÌNH RẤT CĂNG"

ĐIỆN NGOÀI BẮC LẪN TRONG NAM HÈ 2023: "TÌNH HÌNH RẤT CĂNG"
09/05/2023 10:06 AM 424 Lượt xem

Nắng nóng kỷ lục những ngày gần đây, nhất là khu vực phía Bắc khiến lượng điện tiêu thụ tăng mạnh, ngành điện thậm chí phải huy động cả nguồn chạy dầu có mức giá cao với sản lượng huy động lên tới 14,6 triệu kWh mới đảm bảo cung ứng điện.

EVN dự báo sẽ thiếu điện diện rộng trong mùa hè này, nhất là khu vực phía Bắc - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo tăng cao trong mùa hè này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.

Nhu cầu tăng nhanh, nguồn cung tăng chậm
Là khu vực có những ngày nóng kỷ lục khiến sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc liên tục tăng.

Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - đơn vị quản lý vận hành 27 địa phương phía Bắc (trừ Hà Nội), sản lượng điện từ ngày 1 đến 7-5 là 1,6 tỉ kWh, tăng 3,43% so với tuần liền kề trước đó. Trong đó, ngày 6-5 có sản lượng tiêu thụ cao nhất lên tới 282,11 triệu kWh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của EVNNPC cho hay dự báo vào mùa hè năm 2023, miền Bắc sẽ nắng nóng gay gắt hơn, có thể gây quá tải cục bộ cho hệ thống điện, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố mất điện diện rộng.
Cũng theo vị này, nhu cầu điện tại miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022 - 2025 lại thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.

Cụ thể, trong giai đoạn này, khu vực miền Bắc dự kiến chỉ đưa vào 1.427 MW, trong khi công suất cực đại toàn hệ thống điện quốc gia trong mùa hè năm nay dự kiến tăng thêm 5.530 MW so với năm 2022.

"Việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu điện cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8", vị này nói.

Theo tính toán của EVN, dù sản lượng điện cả năm gần sát với kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được phê duyệt, nhưng cơ cấu nguồn huy động có sự thay đổi lớn. Trường hợp xảy ra các tình huống cực đoan, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh và công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 - 4.900 MW.

"Tình hình rất căng", một lãnh đạo EVN nói với báo Tuổi Trẻ khi cho biết không chỉ miền Bắc mà miền Nam cũng có nguy cơ thiếu điện do nước ở các hồ đang khô cạn, nhưng miền Bắc căng thẳng hơn do các hồ lớn trong hệ thống sông Đà thiếu nước trầm trọng hơn.

Năng lượng tái tạo đắp chiếu, tăng nhập điện?


Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương trước đó, EVN đã dùng từ "tình trạng khẩn cấp" để nói về những khó khăn trong vận hành hệ thống, đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô.

Thủy điện được xem là nguồn chạy nền và có giá thành rẻ nhất trong các nguồn điện, nhưng diễn biến thủy văn không thuận lợi. Điện than và khí cũng là nguồn điện chạy nền chiếm tỉ trọng lớn, nhưng tình trạng thiếu than đang diễn ra trầm trọng.

Trong các giải pháp được đưa ra, EVN cho biết sẽ tiếp tục huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.

Ngoài ra, sẽ đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, từ Lào; đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện từ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số nhà máy thủy điện và các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trên cơ sở thống nhất mức giá tạm thời để đưa vào vận hành.

Trong khi đó, khoảng 5.000 MW điện gió, mặt trời trong diện dự án chuyển tiếp (85 dự án) vẫn chưa thể đàm phán được giá để huy động được nguồn này.

EVN cũng cho biết đã nhận 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp, song các khó khăn trong việc đàm phán giá điện vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.

Điều đáng nói là trong số 27 hồ sơ đề nghị này, chỉ có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện đã được phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.

Các doanh nghiệp lo ngại khi huy động tạm thời và chỉ tính mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện mà không hồi tố và trừ vào thời gian áp dụng hợp đồng mua bán điện, căn cứ này có thể trở thành giá điện thanh toán chính thức.

Do đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm có cuộc họp với các tập đoàn năng lượng để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN; đảm bảo cung cấp khí, cấp than ổn định, ưu tiên cho phát điện, sớm vận hành các nhà máy đang gặp sự cố như Vũng Áng 1, nhiệt điện Cẩm Phả, nâng cao độ tin cậy các tổ máy.

Đồng thời tháo gỡ một loạt khó khăn liên quan đến nhập khẩu điện tại Lào, vướng mắc trong xác định giá điện với dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp...

Trong khi nhiều dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vẫn đang bị đắp chiếu, EVN dự tính sẽ tăng nhập điện từ Trung Quốc, Lào - Ảnh: T.T.D.

Theo EVN, có 9 hồ với tổng công suất 3.000 MW đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết, 8/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20%, 18/34 hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định và có tới 22/31 hồ chứa vi phạm mực nước giới hạn trong 2 tuần liên tiếp.

Do đó, sản lượng còn lại trong hồ của toàn hệ thống có thể huy động được thấp hơn tới 4,1 tỉ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Với điện than và khí, theo EVN, nguồn than nội địa thiếu tới hơn 6 triệu tấn, riêng nhà máy của EVN thiếu 1,3 triệu tấn.

Vì vậy, tập đoàn này huy động nguồn từ nhà máy nhiệt điện chạy than nhập nhưng lượng than cấp không theo kịp được nhu cầu huy động từ các nhà máy này. Trong khi đó, lượng khí cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí tiếp tục giảm, với sản lượng cấp là 5,6 tỉ m3, giảm 1,31 tỉ m3 so với năm trước.

Theo: Báo tuổi trẻ

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246