DÂN KHỐN KHỔ VÌ Ô NHIỄM, NHÀ MÁY RÁC NGHÌN TỶ QUA CHỤC NĂM VẪN NẰM 'TRÊN GIẤY'

DÂN KHỐN KHỔ VÌ Ô NHIỄM, NHÀ MÁY RÁC NGHÌN TỶ QUA CHỤC NĂM VẪN NẰM 'TRÊN GIẤY'
30/10/2023 07:39 AM 188 Lượt xem

Hàng chục năm nay, người dân Củ Chi (TP.HCM) vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh về mùi hôi thối phát ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Không khí 'đặc ô nhiễm' ở xóm ngụ cư

Cuối tháng 10/2023, PV đến tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi (TP.HCM) theo phản ánh của một số hộ dân. Những ngày “mưa dăm ba hôm rồi lại nắng cháy da” - theo cách nói của ông Đinh Xuân Chín (48 tuổi, ngụ tổ 14), càng khiến mùi hôi nồng nặc phát ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, người dân địa phương thêm điêu đứng.


Khói mù mịt ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi (TP.HCM).

Ngược về 25 năm trước, khi đó ông Chín mới về đây cất nhà để ở. Khu vực quanh nhà cả đồi tràm và cây bụi mênh mông, xanh mát. “Ngày đó chim chóc nhiều lắm, buổi chiều từng đàn lũ lượt về tổ trông thích mắt. Môi trường trong lành như vùng thôn quê thực sự...”, ông Chín nhớ lại.

Đến năm 2003, khi các nhà máy xử lý rác thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đi vào hoạt động, ông Chín sớm nhận thấy sự biến đổi theo chiều hướng xấu trên chính vùng quê của mình. Mùi hôi phát ra từ các bãi tập kết rác ngày một nhiều thêm.


Nhà ông Chín chỉ cách bãi chứa rác của Công ty Vietstar khoảng 150m. Từ cửa sau, ông dễ dàng nhoài người là nhìn thấy bãi rác lộ thiên khổng lồ. Hàng ngày mùi rác chua ngấy, khi nắng nóng thì nồng khét xộc thẳng vào mũi của các thành viên trong gia đình, trong đó có những đứa trẻ con ông.

“Tôi nghe mùi hôi riết thành quen, nhưng thứ mùi từ bãi rác là nỗi ám ảnh thật sự đối với bạn bè, người thân của tôi khi lần đầu đến đây. Họ khuyên tôi chuyển đi nơi khác sinh sống, nhưng nhà nghèo, dời mảnh đất này không biết về đâu, nên đành "nhắm mắt" chịu trận. Chỉ thương cho tụi nhỏ...”, ông Chín kể.

Bà Lê Thị Chớ (sinh năm 1950) cư dân sống hơn 30 năm tại tổ 14, cách nhà ông Chín mấy chục bước chân. Hàng chục năm thăng trầm với vùng đất bưng biền Củ Chi, bà xác nhận câu chuyện kể của ông Chín là những điều bà được 'mắt thấy tai nghe'vậy.

“Sống chung với mùi hôi đã đành, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác tại tổ 14 cũng vất vả để có nước sạch dùng trong sinh hoạt. Người dân ở đây phần lớn dùng giếng khoan. Có điều nước giếng bị chua phèn, có mùi lạ. Mọi người phải sử dụng thùng chứa nước, làm lắng, hoặc lọc theo cách thủ công để sử dụng”, bà Chớ nói.


Thùng lọc nước của gia đình bà Chớ, do giếng khoan cũng bị ô nhiễm, không sử dụng được 

Bà Chớ cho hay, nhiều năm nay, bà không dám dùng nước mưa nữa vì lo lắng mọi thứ đã bị ô nhiễm, rõ nhất là lượng khói bụi khổng lồ phát ra từ các nhà máy xử lý rác, có hôm đen kịt cả nền trời.

“Bãi rác tập kết về đây, giá trị dân sinh, môi trường ở đâu không thấy, nhưng trước mắt người dân phải gánh đủ thứ bất tiện”, bà Chớ than. 

Ông Nguyễn Văn Cường, cư dân sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc cho biết: "Hàng chục năm nay, chúng tôi sống với mùi hôi như 'sống chung với lũ'. Những cơn bão mùi có thể đến liên tục, ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, có kêu than cũng không thay đổi được".
Ông Nguyễn Văn Cường bức xúc vì mùi hôi ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống trong nhiều năm.

Câu chuyện kể, bức xúc của ông Cường, bà Chớ, ông Chín cũng là đại diện cho nhiều tâm tư khác trong tổng số 37 hộ dân thuộc tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ. Đây là khu vực cư dân nằm cạnh khu xử lý rác của Công ty Vietstar, nhiều căn nhà chỉ cách bãi chứa rác hơn 100m.

Theo ông Lê Khánh Duyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, 37 hộ dân tổ 14 sống gần khu xử lý rác của Công ty Vietstar là những cư dân chịu tác động nặng nề nhất từ mùi hôi và loạt bất tiện khác liên quan đến các nhà máy xử lý rác thải. 


Khu dân cư tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ nhìn từ trên cao. Phía sau là các nhà máy xử lý rác thuộc khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Lãnh đạo UBND huyện Củ Chi từng khảo sát về tác động mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (quy mô 687 ha). Ngành chức năng địa phương nhận thấy mùi hôi phát chủ yếu từ hoạt động xử lý rác; khu vực ô nhiễm mùi hôi có bán kính lên đến 10km.

Ngán ngẩm với dự án trồng cây, xây nhà máy... 'trên giấy' 

UBND huyện Củ Chi đánh giá, nhiều cư dân của 7 xã và thị trấn Củ Chi thuộc huyện bị ảnh hưởng bởi mùi hôi sinh ra từ hoạt động thu gom, tập kết và xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Cụ thể, có 244 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi của rác thải, đất đai bị ô nhiễm, bỏ hoang gây lãng phí… trong suốt 20 năm qua. 

Để khắc phục, năm 2003, TP.HCM phê duyệt dự án bồi thường, giải tỏa để trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc giai đoạn 1  Dự án nằm trên địa bàn xã Phước Hiệp và Thái Mỹ, do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý rác thải thành phố (thuộc Sở TN&MT) làm chủ đầu tư.

Khi triển khai, khu xử lý rác sẽ có quỹ đất trồng cây xanh ngăn cách với khu vực xung quanh. Mục đích nhằm tạo hệ thống cây xanh giúp hấp thu, ngăn mùi hôi phát ra từ các nhà máy xử lý rác, hạn chế tác động xấu đến đời sống người dân địa phương. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay dự án này vẫn còn... nằm trên giấy, chưa có "bức tường cây xanh” nào được mọc lên bảo vệ lá phổi người dân Củ Chi sau nhiều năm.


Phương án cách ly mùi của khu bãi rác Củ Chi nhiều năm nay vẫn chưa được thực hiện.

Lý giải lý do, theo UBND huyện Củ Chi, dự án trồng cây xanh cách ly bãi rác chưa thể thực hiện được vì chính sách pháp luật về đất đai thay đổi, những biến động khác trong quá trình đô thị hóa, giá bồi thường giải phóng mặt bằng làm dự án biến động, tăng cao…


Một nhà máy trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hoạt động theo quy trình cũ, tạo ra mùi hôi và những lớp khói bụi.

Số liệu thống kê từ Sở TN&MT TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh gần 10.000 tấn rác thải, được chuyển về 4 đơn vị để xử lý. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đảm nhiệm xử lý khoảng 3.200 tấn/ngày. Trong khu này hiện có hai nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar hoạt động, với công nghệ hiện hữu là đốt, ủ phân compost và chôn lấp. 


Các nhà máy rác hiện vẫn hoạt động theo phương thức xử lý rác kiểu cũ, công nghệ được đánh giá khá lạc hậu.

Năm 2009, cả hai công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar đồng loạt khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ hiện đại. Trong đó, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có vốn lên đến 5.000 tỷ đồng, công suất xử lý rác khoảng 1.000 tấn/ngày, còn nhà máy của Vietstar xử lý gần 2.000 tấn/ngày.

Các nhà máy dự kiến hoạt động vào cuối năm 2020, hứa hẹn giải quyết đáng kể lượng rác phải chôn lấp. Tuy nhiên, hiện tại việc chuyển đổi trên vẫn "đứng hình" vì chờ thủ tục, trong khi lượng rác vẫn tăng lên mỗi năm.

Giải pháp tạm thời “không thể thay thế” vẫn là tiếp nhận rác, xử lý theo kiểu truyền thống là đốt rác, tái chế và mang đi chôn lấp.


Việc vận hành các nhà máy xử lý rác hiện hữu tại Củ Chi ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.


Toàn cảnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Thực tế chưa có lời giải ở TP.HCM là công nghệ xử lý rác cũ kỹ vẫn còn duy trì hoạt động để giảm thiểu lượng rác khổng lồ của thành phố, bất chấp việc phát sinh hàng loạt những bất cập. Đây rõ ràng là bài toán nan giải cho câu chuyện dân sinh, môi trường, rất cần hệ thống chính trị của thành phố tập trung tìm lời giải.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi trong buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP đầu năm 2023 từng khẳng định: TP cần phải xây dựng năng lực thu gom xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, biến rác thành tài nguyên. Một TP văn minh không thể xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp, thậm chí ngay cả lượng rác đã chôn lấp cũng cần phải được tái xử lý.

Do vậy, cùng với việc đốc thúc các dự án xử lý đốt rác phát điện đã được phê duyệt triển khai, TP cần chủ động để doanh nghiệp công ích tham gia vào hoạt động đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại. Về nguồn vốn đầu tư, có thể vay vốn từ nguồn vốn kích cầu của TP để được hỗ trợ lãi suất vay, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư dự án.

Thanh tra phát hiện sai phạm, vẫn chưa được khắc phục

Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) từng kết luận 2 công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa không đảm bảo các yêu cầu về môi trường nhưng không khắc phục dù đã bị nhắc nhở.

Năm 2018, Tổng cục Môi trường thanh tra, phát hiện nhà máy xử lý rác của Công ty Vietstar có công suất thiết kế 1.400 tấn/ngày, nhưng thực tế tiếp nhận, xử lý 1.800 tấn/ngày (vượt khoảng 28,5%). 

Tháng 7/2020, Tổng cục Môi trường tiếp tục kiểm tra, phát hiện công ty tiếp nhận của TP.HCM khoảng 2.000 tấn/ngày, trong khi công suất thiết kế nhà máy vẫn là 1.400 tấn/ngày.

Tương tự, năm 2018, Tổng cục Môi trường phát hiện công suất thiết kế của nhà máy Công ty Tâm Sinh Nghĩa là 1.000 tấn/ngày, nhưng lại tiếp nhận 1.200 tấn/ngày (vượt công suất 20%). Ngoài ra, hai công ty này còn vi phạm một số nội dung khác trong việc lưu trữ rác và xử lý nước rỉ rác.

Theo Tổng cục Môi trường, các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của hai công ty kéo dài từ năm 2018 đến thời điểm kiểm tra vẫn chưa được khắc phục. Lượng rác sinh hoạt tiếp nhận xử lý hằng ngày vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng khối lượng lớn.

Hoàng Giám

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246