ĐÀ NẴNG KIẾN NGHỊ CÓ QUY ĐỊNH VỀ LẮP ĐẶT ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRỤ SỞ CÔNG

ĐÀ NẴNG KIẾN NGHỊ CÓ QUY ĐỊNH VỀ LẮP ĐẶT ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRỤ SỞ CÔNG
05/08/2023 07:11 AM 417 Lượt xem

UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định, hướng dẫn để khai thác có hiệu quả việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà trụ sở công.


Điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà xưởng tại TP. Đà Nẵng.
Theo thông tin từ UBND TP.Đà Nẵng, đến tháng 5/2023, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 3,69%.

Trong đó, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời là 81 MW (đạt 33% theo kế hoạch đến năm 2025), sản lượng điện điện mặt trời (tự dùng và phát lên lưới) tương ứng là 118.260 MWh, đóng góp khoảng 3,69% tổng nhu cầu điện toàn Thành phố.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, việc phát triển các dự án điện mặt trời trong thời gian qua trên địa bàn chỉ có điện mặt trời mái nhà, không có dự án điện mặt trời nối lưới. Toàn bộ các hệ thống điện mặt trời có công suất lắp đặt <1 MW nên vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, không có dự án được giao đất, thuê đất từ Thành phố.

Các hệ thống điện mặt trời mái nhà chủ yếu là tự dùng, phần còn dư mới phát lên lưới điện và bán cho Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng.

Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, TP. Đà Nẵng có các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời mặt đất 144 MW; điện sinh khối 15 MW; điện rác 36 MW.

UBND TP. Đà Nẵng cũng thông tin, các dự án năng lượng tái tạo đang đề xuất, có chủ trương đầu tư. Theo đó, về điện gió, hiện nay, Công ty TNHH Năng lượng Trung Du Xanh đang đề xuất với UBND TP. Đà Nẵng cho phép được nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện gió (với quy mô công suất khoảng 500 MW) tại khu vực biển gần bờ thuộc địa bàn các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn. Hiện, dự án đang lấy ý kiến các cơ quan, Sở, ngành liên  quan.

Về điện chất thải rắn, Dự án Nhà máy đốt chất thải phát điện Đà Nẵng do Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư, với quy mô công suất 18 MW đã được Thủ tướng chấp thuận bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Công văn số 876/TTg- CN ngày 10/7/2020. Hiện, dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Về điện sinh khối, TP. Đà Nẵng có Dự án Nhà máy đồng phát nhiệt điện 15 MW Đà Nẵng đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, địa điểm thực hiện tại Khu công nghiệp Liên Chiểu.

UBND TP. Đà Nẵng đã đề xuất Bộ Công thương bổ sung Dự án này vào Quy hoạch điện VIII cũng như bổ sung vào Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng phê duyệt.

UBND TP. Đà Nẵng cũng cho hay, hiện đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia ý kiến về đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Điện ứng dụng công nghệ thủy khí nén (Kinetic) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Về chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định, hướng dẫn để khai thác có hiệu quả việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà trụ sở công.

Lý do đề nghị này, UBND TP. Đà Nẵng đề cập, trước đó Sở Công thương đã đề xuất đầu tư Dự án Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công, tuy nhiên từ sau ngày 31/12/2020 đến nay, Trung ương vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn mới đảm bảo cơ sở pháp lý về đầu tư, đấu nối, lắp đặt, hệ thống điện mặt trời.

Vì vậy, Chủ tịch UBND Thành phố đã có ý kiến chưa đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công trong giai đoạn hiện nay (tại Công văn số 6699, ngày 4/10/2021).

Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, có mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% toà nhà công sở sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán vào lưới điện quốc gia) nhưng việc phát triển, lắp đặt điện mặt trời mái nhà trụ sở công đang vướng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Sơn Thuận

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246