CƠ CHẾ ỔN ĐỊNH PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

CƠ CHẾ ỔN ĐỊNH PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
19/09/2023 09:32 AM 198 Lượt xem

Quy hoạch điện VIII đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu Net Zero và đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Anh Tuấn - chuyên gia cao cấp năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, để đạt mục tiêu nguồn cung năng lượng tái tạo chiếm hơn 70% tổng công suất toàn hệ thống vào năm 2045 cần đẩy nhanh thực hiện Quy hoạch điện VIII với việc ưu tiên lập kế hoạch chi tiết 5 năm tới và có cơ chế huy động nguồn vốn lớn, tương đương khoảng 113 - 135 tỷ USD.

- Tiềm năng gió và mặt trời ở Việt Nam là rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả để phát triển năng lượng tái tạo. Theo ông, đâu là vướng mắc chính hạn chế phát triển năng lượng tái tạo?


Ông Nguyễn Anh Tuấn

Phát triển năng lượng tái tạo góp phần phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường do nguồn năng lượng sạch này gần như không có phát thải, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo đang gặp phải 3 vướng mắc. Theo tôi, đó là cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo chưa có định hướng lâu dài, chính sách bất cập thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho công nghệ. Vướng mắc về mặt kỹ thuật là phát triển không đồng bộ giữa các dự án. Cuối cùng là vốn đầu tư cho dự án năng lượng sạch lớn nhưng rủi ro cao do phụ thuộc vào thời tiết nên khả năng thu hồi vốn chậm.

- Quy hoạch điện VIII được ban hành đã góp phần cởi gỡ những vướng mắc trên như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đánh giá Quy hoạch điện VIII có nhiều điểm tiến bộ, theo hướng mở để lựa chọn dự án tốt một cách minh bạch, khách quan. Quy hoạch điện VIII tuy không quy định chi tiết, cụ thể nhưng đến khi triển khai cần quy hoạch cụ thể, tức là từng năm phải dự kiến được quy mô, công suất điện; xác định loại gió, loại khí, loại năng lượng mặt trời. Thứ nữa, cần dự kiến địa điểm cụ thể. Trong dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII có đưa ra các vùng phát triển điện gió ngoài khơi nhưng với điện gió trên bờ, theo tôi cần quy hoạch đến các tỉnh. Trên cơ sở đó, các tỉnh mới chủ động kêu gọi đầu tư như đã từng thực hiện trước đây với các dự án điện truyền thống.

- Với mục tiêu nguồn cung năng lượng tái tạo chiếm 70% tổng công suất toàn hệ thống vào năm 2045, chúng ta có thêm áp lực nào trong thời gian tới, thưa ông?

Tôi cho rằng, có 2 áp lực lớn cần phải đối mặt là tài chính và công nghệ. Vốn đầu tư cho các công trình điện là rất lớn song hiện kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định khả năng huy động vốn. Do vậy, cần có cơ chế huy động vốn hấp dẫn và hiệu quả nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, công nghệ sạch ngay cả trên thế giới còn đang ở mức chuyển dịch, một số công nghệ như hydrogen xanh, amonic xanh vẫn rất mới mẻ, chưa được thương mại. Trong khi đó, đây sẽ là hai nguồn rất quan trọng bởi sau năm 2035, quy mô điện LNG không tăng thêm, các nhà máy chuyển sang đốt kèm, tiến tới đốt hoàn toàn hydo/amoniac.

Chúng ta có quyền nghĩ đến hướng tới phát triển nhanh, công nghệ sạch, giảm phát thải nhưng song song với đó phải đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác để làm chủ công nghệ để phát triển bền vững, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu.


Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo so với tổng công suất đặt toàn quốc đến năm 2045 là 26,5% - 28,4%. (Nguồn biểu đồ: Nhandan.vn)

- Ông có những đề xuất giải pháp nào để giải toả áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra?

Về những đề xuất giải pháp, quan trọng nhất là các định hướng chính sách cần tạo môi trường đầu tư ổn định trong thời gian dài để đảm bảo cho việc chuyển dịch năng lượng bền vững và hợp lý. Cần thiết nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Năng lượng tái tạo cũng như có kế hoạch sớm điều chỉnh Luật Điện lực tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng khả thi, thông thoáng để giải quyết vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo.

Để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, chúng tôi kiến nghị sớm ban hành cơ chế dịch vụ phụ trợ, cơ chế giá mua - giá bán. Tôi cho rằng, các nhà đầu tư đang mong chờ cơ chế giá mua - giá bán để đầu tư. Cùng với đó, hạn chế ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo biến đổi gió, mặt trời bao gồm nâng cao độ chính xác của dự báo, kết hợp phát triển các nguồn điện linh hoạt.

Tích trữ năng lưu trữ rất quan trọng khi chúng ta phải khai thác hết Quy hoạch điện VIII. Chẳng hạn, chúng ta phải lưu trữ năng lượng mặt trời cho lúc tắt nắng hay lúc nhiều gió không dùng hết cần lưu trữ cho khi ít gió hoặc chuyển đổi điện năng dư thừa cho các nhu cầu khác.

Một mảnh ghép quan trọng là phát triển các nguồn điện mặt trời tập trung, phân bố hợp lý ở các vùng, hạn chế truyền tải xa, tăng cường truyền tải giải toả các nguồn năng lượng tái tạo; tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân tham gia lưới truyền tải ở những khu vực không ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, tại các đoạn đấu nối từ dự án nguồn điện đến điểm nhận của hệ thống.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Lê

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246