CHUYÊN GIA NÓI VỀ KHẢ NĂNG VỠ ĐẬP HƠN 1,2 TRIỆU M3 Ở ĐẮK NÔNG

CHUYÊN GIA NÓI VỀ KHẢ NĂNG VỠ ĐẬP HƠN 1,2 TRIỆU M3 Ở ĐẮK NÔNG
09/08/2023 06:16 AM 264 Lượt xem

Khi các vết nứt kèm theo tiếng nổ thì nguy cơ vỡ đập là rất cao. Nguyên nhân của tiếng nổ là khi đất đá bị nén quá chặt, áp lực kẽ rỗng lớn khiến khí bung ra, gây ra những tiếng nổ bụp bụp.


Nguy cơ vỡ đập rất cao
Đêm 1/8, khi đang ngủ trong nhà, một số hộ dân sống gần hồ chứa nước Đắk N'Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) bất ngờ nghe thấy tiếng nổ và tiếng đất nứt. Đến sáng 2/8, người dân phát hiện nhà cửa và vườn cây đã xuất hiện một số vết sạt, cây cối đổ ra phía hồ nước. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ 34 hộ với 175 nhân khẩu vùng hạ du, đồng thời phong tỏa lối ra vào đập thủy lợi Đắk N'Ting.

Hàng loại vết sạt kéo dài xung quanh hồ Đắk N'Ting và vết nứt ngay thân đập cảnh báo nguy cơ vỡ hồ chứa 1,2 triệu m3 nước, buộc chính quyền tỉnh Đắk Nông phải phát cảnh báo và di dời người dân.


Hồ chứa nước Đắk N'Ting xuất hiện nhiều vết nứt những ngày qua.

Dự án Hồ chứa nước Đắk N'Ting được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2018, với tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng, do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Tổng diện tích sử dụng đất hơn 80ha với sức chứa hơn 1,2 triệu m3 nước. Công trình sẽ cấp nước cho 680ha cây trồng, trong đó có 100ha lúa nước thuộc xã Quảng Sơn...

Trước tình trạng xuất hiện các vết nứt, ngày 3/8, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra thực tế tại khu vực hồ chứa nước Đắk N'Ting. Theo Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (chủ đầu tư), vết nứt ở khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500m, sâu khoảng 150m và chưa có chiều hướng dừng lại.

Nói về nguy cơ vỡ đập, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khi các vết nứt kèm theo tiếng nổ thì nguy cơ vỡ đập là rất cao. Nguyên nhân của tiếng nổ là khi đất đá bị nén quá chặt, áp lực kẽ rỗng lớn khiến khí bung ra, gây ra những tiếng nổ bụp bụp. "Nếu vết nứt không dừng lại và kèm theo cả tiếng nổ thì tôi cho là nguy rồi, khả năng vỡ đập sẽ rất lớn", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận định.

Về lý thuyết, khi nước về quá nhiều thì phải mở cửa xả. Nhưng GS.TS Vũ Trọng Hồng cảnh báo, việc xả nước phải được thực hiện đúng quy trình, không được mở cấp tập. Về nguyên tắc, mực nước hồ giảm 1m/ngày là an toàn. Nếu mở quá nhiều cửa xả, mực nước hạ đến 2-3m/ngày thì nguy cơ vỡ đập cũng rất lớn.

"Các hồ chứa không được phép rút nước quá nhanh vì sẽ sinh ra áp lực kẽ rỗng. Có thể hiểu khi tích nước thì đất thân đập cũng chứa nước. Nếu nước rút từ từ, nước từ trong đất cũng thoát ra từ từ tạo ổn định của đập, không gây xáo trộn. Nhưng nếu nước rút nhanh, nước trong thân đập chưa kịp thoát ra sẽ tạo thành các cột áp lực mà trong chuyên môn gọi là áp lực kẽ rỗng. Áp lực này có thể làm vỡ đập", GS.TS Vũ Trọng Hồng giải thích.

Trực tiếp khảo sát công trình thủy lợi Đắk N'ting (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), sáng 7/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, công trình thủy lợi này sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sẽ có hơn 1 triệu m3 đất sạt trượt xuống công trình hiện hữu, nguy cơ vỡ đập.

Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư phải triển khai ngay giải pháp "cứu" công trình, trước Kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Hiệp nhận thấy, quanh khu vực hồ chỉ còn một số cây rừng, còn lại đã trồng cây lâu năm. Việc người dân sử dụng nguồn nước tưới tiêu nhiều đã làm thay đổi dòng chảy bề mặt, dòng chảy ngầm dẫn đến sạt trượt, sạt lở, nứt nẻ.

Do đó, theo Thứ trưởng, cần tính toán đến hạ độ cao của quả đồi bên phải hồ Đắk N'Ting có nguy cơ sạt trượt, sạt lở. Cần tính toán có nên cho dân canh tác nữa hay không. Ngoài ra, phải tính toán đến kịch bản vỡ đập để đảm bảo an toàn cho hạ du. Khi một đợt mưa rất to được dự báo sẽ xảy ra vào cuối tháng 8. Theo Thứ trưởng, có 2 cách phải triển khai ngay, một là xử lý sạt trượt, hai là giảm tối đa nước trong hồ.

Ứng phó với khả năng vỡ đập

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng phải lập bản đồ ngập lụt cho khu vực hồ Đắk N'Ting, có thể vẽ bằng tay hoặc bằng mô hình máy tính, với thời gian khá nhanh gọn. Bản đồ này sẽ chỉ ra ngay được các kịch bản khi vỡ đập thì vùng ảnh hưởng như thế nào, khu vực nào bị nhấn chìm, khu vực nào sẽ an toàn.

Nhìn vào bản đồ đó, có thể nhận ra ngay các cao trình an toàn, từ đó cắm các biển thông báo để người dân có thể tránh trú nếu không may đập vỡ. "Cần đưa các cán bộ trắc địa, thủy lợi đến hiện trường làm việc ngay lập tức và đánh dấu đỏ vào các điểm có khả năng cao ngập lụt. Làm càng nhanh thì càng ngăn chặn được nguy cơ thảm kịch xảy ra", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Trong khi chưa kịp tính toán các thông số này thì người dân đang sống ở vùng hạ lưu của đập, ven các sông suối, vùng trũng thấp... phải ngay lập tức có kế hoạch di dời về người, gia súc gia cầm... đến nơi an toàn. "Trên 1 triệu mét khối là hồ chứa nước cỡ lớn, nếu vỡ đập thì nó sẽ cuốn trôi mọi thứ trên đường đi, từ nhà cửa đến hoa màu, gia súc gia cầm. Do đó cần xây dựng các kịch bản ứng phó và thực hiện di dân khẩn cấp, tránh những thảm họa đáng tiếc có thể xảy ra", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.


Những ngày qua (từ ngày 28/7-6/8), trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài. Mưa lớn dẫn đến mực nước trên các sông, suối, hồ đập trong những ngày qua dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu dân cư và sụt lún, sạt trượt đất tại một số khu vực, đặc biệt là tại hồ thủy lợi Đắk N'ting (huyện Đắk Glong), đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thành phố Gia Nghĩa) và tại khu vực Bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, mưa lũ đã làm 2 người chết, làm ngập và ảnh hưởng 192 căn nhà, 651,4 ha cây trồng, 217,7 ha thủy sản...; nhiều công trình hạ tầng bị hỏng, nhiều cầu dân sinh bị cuốn trôi; phải di dời 283 hộ dân tại các điểm bị sụt lún, sạt trượt đến nơi an toàn. Ước thiệt hại trên 250 tỷ đồng.

Tô Hội

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246