CHUYÊN GIA NÓI LÝ DO GIÁ THÀNH CỦA ĐIỆN SINH HOẠT PHẢI ĐẮT HƠN SẢN XUẤT

CHUYÊN GIA NÓI LÝ DO GIÁ THÀNH CỦA ĐIỆN SINH HOẠT PHẢI ĐẮT HƠN SẢN XUẤT
08/11/2023 01:39 PM 263 Lượt xem

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cho rằng không thể lấy bình quân của sản xuất so với bình quân của sinh hoạt. Lý do là sản xuất mua từ 110 kV, 35 kV, 22 kV, còn người sinh hoạt chỉ mua từ 0,4 kV. Như vậy, đương nhiên giá thành của sinh hoạt phải đắt hơn.
 
Tại tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 – những vấn đề cấp bách đặt ra” vừa diễn ra, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận thực trạng cơ chế giá điện hiện nay đang là điểm nghẽn quan trọng.


Giá điện sinh hoạt có đang phải bù giá cho sản xuất?
 
Trong điểm nghẽn của giá điện, có mấy điểm cần xem xét, cũng như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu rất nhiều là cơ chế điều hành giá điện của Việt Nam gồm: Sản xuất, hành chính sự nghiệp và giá điện sinh hoạt.
 
“Công luận đang đòi hỏi xem xét lại việc giá điện sinh hoạt bù cho sản xuất, bù cho sản xuất thì giá điện sản xuất thấp, điều này cũng có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng có mặt tiêu cực”, ông Long cho biết.
 
Tích cực là giá điện sản xuất thấp thì sẽ thu hút được đầu tư, tiết kiệm được chi phí làm cho giá thành giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng mặt hạn chế là thông qua việc giá điện thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu, mà công nghệ lạc hậu thì hiệu quả lại không tốt.
 
“Đấy là một trong những bất cập của giá điện mà trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng đặt câu hỏi. Hiện nay, Chính phủ cũng đang đề nghị xem xét lại biểu giá điện”, vị chuyên gia này nêu vấn đề.


 Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, chia sẻ dư luận nói rằng sinh hoạt đang trợ giá cho sản xuất. Song, không thể lấy bình quân của sản xuất so với bình quân của sinh hoạt. Lý do là sản xuất mua từ 110 kV, 35 kV, 22 kV, còn người sinh hoạt chỉ mua từ 0,4 kV. Như vậy, đương nhiên giá thành của sinh hoạt phải đắt hơn.
 
Theo ông Hồi, đối với ngành điện nói chung, quan trọng nhất vẫn là cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ quyết định doanh thu của ngành điện tại Quyết định 24. Quyết định này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần phải điều chỉnh.
 
Lý do là, về phương pháp luận, hiện nay giá bán lẻ điện bình quân đang cơ bản được xây trên nền tảng các dữ liệu dự báo. Đầu năm lập giá bán điện bình quân lấy trên cơ sở dự báo của cả năm đó. Vô hình trung rất rủi ro cho những người ra quyết định, những người thực hiện. Và giá đó đang ở thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Hồi, phải tính toán để những người thực hiện đỡ rủi ro, kể cả rủi ro liên quan đến sinh mệnh chính trị của họ.
 
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh rằng, thẩm quyền ra quyết định cần được luật hoá ở mức độ cao hơn, có thể lên đến mức Nghị định của Chính phủ. Lúc đó, người dân sẽ thấy trong một năm, ví dụ đưa ra chu trình điều chỉnh và chu trình này có trong Nghị định - có lúc tăng, lúc giảm, người tiêu dùng nhìn thấy giá điện từng bước mang tín hiệu của thị trường.
 
“Chúng tôi rất mong muốn với cách làm việc quyết liệt như hiện nay thì những hạn chế thuộc về cơ chế, chúng ta phải đẩy nhanh tháo gỡ. Tôi chắc chắn rằng ngành điện khoẻ thì nền kinh tế mới khoẻ”, ông Hồi nhấn mạnh. 
 
Thy Lê

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246