CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG CẦN MỘT LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÀI HẠN DỰA TRÊN CÁC BẰNG CHỨNG KHOA HỌC

CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG CẦN MỘT LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÀI HẠN DỰA TRÊN CÁC BẰNG CHỨNG KHOA HỌC
12/12/2022 10:55 AM 1050 Lượt xem

Phát biểu tại Buổi Đối thoại cấp cao của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG), đại diện của VIETSE đã nêu bật sự thay đổi cấu trúc các nhóm kỹ thuật của VEPG, khẳng định quá trình chuyển dịch năng lượng yêu cầu sự thay đổi lớn về tư duy, và sự linh hoạt trong cấu trúc tổ chức. Việc VEPG tiếp nhận các đóng góp ý kiến từ các tổ chức nghiên cứu độc lập và doanh nghiệp là điểm đổi mới đáng lưu ý.

Trên thực tế, quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, xuất phát điểm từ một quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió không đáng kể, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu về phát triển năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Với tổng công suất lắp đặt là 20 GW, bao gồm hơn 16 GW điện mặt trời và 4 GW điện gió trong giai đoạn 2019 – 2021.

Tiến độ chuyển dịch năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy để phù hợp với cam kết bảo vệ khí hậu toàn cầu là giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Theo đó quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững và đáng tin cậy hiện đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết với tuyên bố của Thủ tướng tại COP26 về định hướng Việt Nam phát triển Net Zero vào năm 2050. Quá trình này cần được triển khai với sự nỗ lực của quốc gia cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra một cách bền vững và công bằng.

Quá trình chuyển dịch năng lượng cần xem xét yếu tố quan trọng là sự cân bằng giữa các mục tiêu an ninh năng lượng và bảo vệ khí hậu. Những gì Việt Nam quyết định làm tiếp theo, đặc biệt là cách Việt Nam định hình tương lai ngành điện (thông qua Quy hoạch phát triển điện sắp tới hoặc PDP 8) sẽ đặt nền tảng cụ thể cho lộ trình hướng tới trung hòa các-bon của ngành cũng như quốc gia.

Để đóng góp vào quá trình này, Sáng kiến ​​Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam và Viện Rocky Mountain đã thực hiện nghiên cứu các kịch bản giảm phát thải cho ngành điện Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (ETP) và Hội đồng Chuyển dịch năng lượng (ETC).

Các phân tích cho thấy rằng kịch bản giảm phát thải thay thế phù hợp nhất với Việt Nam cần định hướng phát triển ngành điện theo các mục tiêu sau:

Thực hiện mục tiêu giảm hệ số đàn hồi từ 1,3 trong năm 2019 xuống còn 1,0 vào năm 2025 và 0,8 vào năm 2030.
Trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, cần đặt mục tiêu cụ thể phải đạt được trong năm 2030 là giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 2,5 – 3% hằng năm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng lên 10% vào năm 2030. Đây được coi là chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tối ưu hoá hệ thống ra quyết định sử dụng nước hiệu quả đối với hệ thống Thuỷ điện liên hồ chứa nhằm nâng cao năng suất sản xuất điện, giảm tác động tiêu cực đến đời sống của người dân vùng hạ lưu và đồng thời nâng cao độ linh hoạt của hệ thống điện Việt Nam.

Hướng đến nâng cao công suất nguồn năng lượng tái tạo bổ sung bù cho các nguồn nhiên liệu hoá thạch không thể triển khai, bằng sự kết hợp của điện mặt trời trên mái nhà là 5GW, điện mặt trời nổi là 9,6 GW và 10 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Giảm sự phụ thuộc nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch cho sản xuất điện từ 42% theo dự thảo PDP8 xuống còn 27% vào năm 2030.
Tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện, cảng năng lượng, xây dựng nguồn NLTT, hệ thống dự báo hỗ trợ ra quyết định và thiết kế các cơ chế tài chính mới nhằm huy động sử dụng các nguồn tài chính cho ngành năng lượng một cách hiệu quả.
Nếu thực hiện theo các giải pháp trên, đến năm 2030, lĩnh vực này có thể giảm thêm 32% phát thải so với Dự thảo PDP8 mới nhất (phiên bản tháng 10 năm 2021) và 60% phát thải so với kịch bản BAU của NDC (đã đệ trình lên UNFCC vào tháng 7/2020).

Bất kỳ nỗ lực nào đóng góp nhằm giảm phát thải đều yêu cầu nguồn lực bổ sung, như Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong bài phát biểu của mình, việc thực hiện thỏa thuận Paris sẽ đòi hỏi những nỗ lực toàn cầu đáng kể. Mục tiêu rất tham vọng này đòi hỏi sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính đáng kể từ các nước phát triển cũng như các đối tác phát triển quốc tế với mục tiêu chung là “hành động bảo vệ khí hậu đến từ mọi Quốc gia”.

Tham vọng hướng đến net-zero carbon vào năm 2050 sẽ bao trùm toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi sự nỗ lực chung của tất cả các lĩnh vực liên quan như công nghiệp, giao thông, hộ gia đình, dịch vụ và nông nghiệp.

Đại diện cho các tổ chức nghiên cứu, VIETSE đặc biệt nhấn mạnh rằng mọi quyết định chính sách cần dựa trên nền tảng của các bằng chứng Khoa học, đây sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bền vững và đáng tin cậy.

Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246