CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN TÍN THÀNH LÊN TIẾNG TRƯỚC NGHI NGỜ VỀ KHOẢN TÀI TRỢ 'KHỦNG' 6,4 TỈ USD

CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN TÍN THÀNH LÊN TIẾNG TRƯỚC NGHI NGỜ VỀ KHOẢN TÀI TRỢ 'KHỦNG' 6,4 TỈ USD
04/10/2023 08:26 AM 240 Lượt xem

Thông tin quỹ Acuity Funding sẽ tài trợ nguồn vốn lên đến 6,4 tỉ USD cho các dự án xanh của Tập đoàn Tín Thành tại Việt Nam và Mỹ gây xôn xao dư luận. Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn riêng ông Trần Đình Quyền - chủ tịch hội đồng quản trị Tín Thành.


Mô hình những dự án về năng lượng xanh đang được Tín Thành giới thiệu sẽ thực hiện tại Việt Nam và Mỹ - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sau khi Tập đoàn Tín Thành và Acuity Funding tổ chức lễ ký kết chấp thuận tài trợ vốn lên đến 6,4 tỉ USD tại TP.HCM, ông Trần Đình Quyền - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group) - đã trả lời thẳng Tuổi Trẻ về những hồ nghi và khả năng thực hiện các dự án bởi số tiền tài trợ là con số "khủng", hơn 150.000 tỉ đồng.

Ông Quyền nói: "Vấn đề mà người ta thắc mắc cũng tất yếu thôi. Cái lớn nhất là có năng lực mới làm được việc đó, chứ không phải đây là một trò ảo của xã hội".

"Không phải ngẫu nhiên mà họ rót 6,4 tỉ USD cho Tín Thành"
* Chưa nhiều người biết đến Tín Thành nhưng lại được quỹ ngoại chú ý rót đến con số tài trợ vốn rất lớn, thời gian qua Tín Thành kinh doanh mảng gì?

- Từ năm 2009 đến nay, tôi làm một ngành nghề mới, đó là chuyển đổi năng lượng cho các ngành công nghiệp, đốt lò hơi bằng nguyên liệu sinh khối như trấu, phế thải nông nghiệp. Tôi nắm bắt cơ hội để làm lò hơi chạy bằng năng lượng sinh khối cho các nhà máy, các khu công nghiệp khắp cả nước với 40 nhà máy. 

* Việc Acuity Funding gật đầu rót đến 6,4 tỉ USD là con số khổng lồ, gây bất ngờ cho những người quan tâm đến các quỹ đầu tư, không ít người nghi ngờ về tính thực tế?

- Thực ra người bình thường nhìn vào họ rất ngạc nhiên, kể các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cũng ngạc nhiên nếu không tìm hiểu kỹ. Họ đã nghiên cứu cả năm nay rồi, không phải ngẫu nhiên mà quỹ rót 6,4 tỉ USD.

Bởi vì, tất cả những việc Tín Thành làm là hệ sinh thái tuần hoàn. Với hai hệ sinh thái mà chúng tôi đang triển khai, nhất là hệ sinh thái tuần hoàn giảm CO2 của logistics tại Mỹ, nếu đúng kịch bản thì doanh số mỗi năm hơn 200 tỉ USD và có nhiều triệu người nằm trong hệ sinh thái này. 

* Vậy kế hoạch giải ngân vốn sẽ ra sao, quỹ sẽ rót luôn một lần hay phân kỳ?

- Hiện nay, họ đã khoanh vùng cho mình 2,7 tỉ USD là sẵn sàng, dự án ở Việt Nam là 1 tỉ USD, dự án tại Mỹ là 1,7 tỉ USD. Hai bên đang làm kế hoạch giải ngân, chậm nhất cuối tháng 12 giải ngân, bắt buộc giải ngân 50 triệu USD đầu tiên.

"Phải xài hết 1 tỉ USD trong 2-3 năm"


Ông Trần Đình Quyền (bìa phải) bắt tay với ông Ranjit Thambyrajah - nhà sáng lập, kiêm tổng giám đốc Acuity Funding - tại lễ ký kết tài trợ vốn - Ảnh: T.TH.

* Nhiều dự án đang ở giai đoạn kế hoạch, ông nói rõ hơn về từng dự án tại Việt Nam mà ông sẽ tiếp nhận vốn, sao lại cần nhiều vốn đến thế?

- Chúng tôi đang đẩy mạnh dự án nhà máy điện, vừa cấp điện vừa cấp hơi cho nhà máy cao su Đà Nẵng và vùng nhiên liệu sản xuất hydro xanh tại Quảng Nam. Dự án thứ hai là hợp tác để mở rộng, phát triển các sản phẩm liên quan đến lốp xe, mặt lốp xe đắp và dây curoa cho hệ sinh thái trong tương lai. 

Ngoài ra, Tín Thành đã thỏa thuận được với quỹ trong thực hiện 4 nhà máy điện, hiện có một nhà máy về pháp lý gần như hoàn tất, 3 nhà máy còn lại thì pháp lý đang làm. Khả năng phải xài hết 1 tỉ USD này là trong 2-3 năm, đó là bắt buộc.

* Vậy còn 1,7 tỉ USD mà ông nói sẽ thực hiện dự án ở Mỹ, dự án đã khởi động hay chỉ là ý tưởng?

- Hiện chúng tôi đã bắt đầu hoàn tất thiết kế, các vấn đề liên quan và chọn thầu để quý 1-2024 phải xây dựng, mua máy móc thiết bị. Cũng bắt buộc trong 2-3 năm phải xài hết 1,7 tỉ này, đó là room mà người ta đưa ra. 

Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện bởi vốn đã có, nếu trở ngại, mình lại thiệt bởi vốn có nhiều ưu đãi, họ cho 3 năm không lãi suất trong khi vay được 20 năm, còn lãi suất và các điều kiện khác thì tôi xin giữ bí mật. 

* Năm 2017, ông từng cùng các nhà đầu tư đến làm việc tại Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, ngỏ ý mua cổ phần, thậm chí đề xuất thâu tóm 55% cổ phần của nhà máy này, vì sao thương vụ này lại thất bại, năm đó ông ngỏ ý như vậy là thật hay chỉ là lời nói?

- Để tôi giải thích, trong quá trình phát triển ở Mỹ, có nhiều tỉ phú làm việc, đặt vấn đề với tôi về việc mua Nhà máy lọc dầu Bình Sơn là có thật, tiền họ có sẵn. Tuy nhiên, quá trình đàm phán có nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý của Việt Nam mà họ không vào được. Thực sự tôi chỉ là người đứng ra dàn xếp thôi, nếu thành công thì tôi hưởng 10%.

"Việc bị phía Mỹ phạt 35.000 USD vì công bố thông tin sai là tai nạn"
* Năm 2016, Tín Thành nói đã mua lại ngân hàng ở Mỹ và đổi tên ngân hàng theo tên của Tín Thành, nhưng sau đó lại bị phía Mỹ cảnh báo, phạt 35.000 USD vì công bố thông tin không chính xác, sao lại có chuyện này?

- Thực sự đây là sơ suất, giống như tai nạn. Hồi đó có chương trình nhà đầu tư bỏ 1 triệu USD vào để được thẻ xanh ở Mỹ. Lúc đó, con trai tôi mới đưa thông tin những nhà đầu tư từ Việt Nam qua, nếu thiếu tiền thì ngân hàng sẽ hỗ trợ. Thời điểm đó, bên tôi mua cổ phần ngân hàng, chuẩn bị thôn tính hết, chưa mua 100%.

Bên truyền thông của tiểu bang phát hiện luật không cho phép, nguyên tắc là anh muốn có thẻ xanh thì phải đổ 100% tiền, chứ không phải lấy tiền trong nước Mỹ để cho anh vay. Lúc đó bị phạt là như vậy, vì công bố thông tin sai luật. Sau đó, tôi thấy không ổn nên không mua ngân hàng đó nữa, lúc đầu tôi dự định mua đến 95% ngân hàng đó.

"Không dễ để giải ngân số tiền lớn trong thời gian ngắn"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về đầu tư các dự án năng lượng (đề nghị giấu tên) cho biết nếu chỉ ký biên bản ghi nhớ thì rất nhiều doanh nghiệp, nhiều đoàn công tác đã ký hàng tỉ, hàng chục tỉ USD nhưng tỉ lệ thành công không nhiều, khả năng thực hiện còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán, năng lực các bên.

Còn nếu ký hợp đồng vay vốn thì có các điều khoản cụ thể, ràng buộc giữa hai bên để giải ngân. Tuy nhiên, với việc quỹ ngoại rót đến 6,4 tỉ USD, vị chuyên gia này cho rằng "tôi cũng đặt nhiều câu hỏi về tính khả thi của các dự án".

Vào năm 2017, Tập đoàn Tín Thành cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đề xuất mua cổ phần của nhà máy này đến 5% (khoảng 2.000 tỉ đồng) và đề xuất trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của nhà máy này. Tuy nhiên, đến nay thương vụ rơi vào im lặng.

Năm 2017, Tập đoàn Tín Thành bị Mỹ cảnh cáo, phạt tiền do vi phạm quy định của nhà nước về việc sử dụng từ "bank - ngân hàng" một cách trái phép trong tên doanh nghiệp.

Tháng 3-2023, King Coffee và Tín Thành loan tin hợp tác xây dựng một nhà máy đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt tại tiểu bang Nam Carolina (Mỹ), song đến nay chính ông Quyền đã bác thông tin hai doanh nghiệp này không phải là đối tác chiến lược.

Ngọc Hiển

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246