CAMPUCHIA BỎ DỰ ÁN NHIỆT ĐIỆN THAN 1,5 TỶ USD, HƯỚNG ĐẾN NĂNG LƯỢNG SẠCH

CAMPUCHIA BỎ DỰ ÁN NHIỆT ĐIỆN THAN 1,5 TỶ USD, HƯỚNG ĐẾN NĂNG LƯỢNG SẠCH
30/11/2023 10:49 AM 187 Lượt xem

Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia khẳng định nước này sẽ thay dự án nhiệt điện than trị giá 1,5 tỉ USD bằng dự án nhiệt điện khí mới.


Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia Keo Rottanak tại một dự án điện mặt trời ở nước này - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters ngày 29-11, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia Keo Rottanak cho biết nước này vừa hủy dự án nhiệt điện than Botum Sakor với công suất 700MW, trị giá 1,5 tỉ USD tại một khu dự trữ sinh quyển dọc biển tây nam.

Thay vào đó Campuchia sẽ triển khai dự án nhiệt điện khí với công suất 800MW.

Ngoài ra Campuchia đang nghiên cứu xây một kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm nhập khẩu loại nhiên liệu này. Số LNG được nhập sẽ được tái hóa khí để vận hành nhà máy trên.

Nhiều khả năng kho cảng LNG trên sẽ là cơ sở cố định trên đất liền. Nếu hoàn thành, đây sẽ là kho cảng LNG đầu tiên của Campuchia, biến nước này thành thị trường nhập khẩu loại nhiên liệu này mới ở Đông Nam Á.

Việt Nam và Philippines mới gia nhập thị trường này trong năm nay. Hôm 29-10, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã cắt băng khánh thành kho cảng LNG Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng.

Ông Rottanak cho biết: "Thủ tướng Hun Manet sẽ công bố việc hủy dự án điện than với công suất 700MW tại tỉnh Koh Kong. Dự án này sẽ bị thay thế bởi dự án điện khí với công suất 800MW dự kiến đi vào hoạt động sau năm 2030".

Vị bộ trưởng này không nêu rõ tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án nhà máy điện và kho cảng LNG mới.

Trước khi bị hủy, dự án Botum Sakor đã nhận chỉ trích gay gắt từ phía các nhà môi trường và người dân. Dự án này sử dụng một phần đất trong khu vực rừng rậm rạp nhất Campuchia và có thể ảnh hưởng đến sinh kế người dân địa phương.

Đặc biệt bụi than từ nhà máy Botum Sakor nhiều khả năng gây ô nhiễm khu dự trữ sinh quyển sát bên, nơi sinh sống của hàng chục loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo ông Rottanak, quyết định từ bỏ dự án này phản ánh cam kết hướng đến năng lượng sạch của Chính phủ Campuchia.

Phnom Penh hướng đến việc nâng tỉ trọng sản xuất năng lượng sạch của mình từ mức 52% vào năm 2022 lên 70% vào năm 2030.

Quốc gia Đông Nam Á này hướng đến mục tiêu đó qua những dự án điện mặt trời, điện gió và thủy điện mới.

Với việc dự án Botum Sakor bị hủy, Campuchia sẽ chỉ còn một dự án nhiệt điện than đang trong quá trình triển khai. Đó là nhà máy nhiệt điện cỡ nhỏ ở tỉnh Oddar Meanchey với công suất 265MW.

NGỌC ĐỨC

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
HOTLINE0853778246